Việt Nam -LHQ ký văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững

Chia sẻ Facebook
11/08/2022 17:53:50

Đây tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Chiều 11/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis đã ký Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) giai đoạn 2022-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú và không thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững 2022 - 2026, gọi tắt là CF - là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Khung Chiến lược nêu bật cam kết mạnh mẽ chung nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khung hợp tác CF được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước.

Cùng với các đối tác phát triển, Liên Hợp Quốc có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Lễ ký Văn kiện Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) giai đoạn 2022-2026.

Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cũng khẳng định: “Đối với Liên Hợp Quốc, đại dịch đã củng cố niềm tin của chúng tôi về tính ưu việt của sứ mệnh không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua CF là cam kết cơ bản của LHQ tại Việt Nam. Đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau đòi hỏi một cách tiếp cận rộng rãi, huy động sự tham gia của toàn thể bộ máy Chính phủ và toàn thể xã hội.

“Tôi tin tưởng rằng chúng ta - những người đang cùng nhau ở đây hôm nay - là những tác nhân của sự thay đổi, đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực dân số có khả năng thích ứng cao, cần cù và ngày càng tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài cho tất cả mọi người, và cùng lúc vẫn bảo vệ được môi trường cho hành tinh chung của chúng ta”, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.

Chính phủ Việt Nam đã cùng với Liên Hợp Quốc đề ra 4 kết quả phát triển chính gồm:


Phát triển xã hội bao trùm : Tập trung vào các dịch vụ xã hội bao trùm, đáp ứng giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội với giá cả phải chăng và chất lượng, với mục tiêu gíup người dân Việt Nam thoát nghèo đa chiều và trao quyền cho mọi người để thể hiện được hết khả năng của mình.


Ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường : Tập trung vào một môi trường an toàn và sạch hơn do kết quả của việc giảm nhẹ và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch và tái tạo, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.


Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế : Tập trung vào chuyển đổi kinh tế bền vững, bao trùm và đáp ứng giới dựa trên đổi mới, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm bền vững.


Quản trị và tiếp cận công lý : Tập trung vào cải thiện quản trị, các thể chế đáp ứng tốt hơn, tăng cường pháp quyền, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và tự do khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế .

Chia sẻ Facebook