Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 15:00:58

Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. (Ảnh: vov.vn)


Theo thông tin trên mới đăng trên website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị khẳng định thông tin và cho biết phản ứng trước việc tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu: “Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình”.

Theo trang theo dõi tàu Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), tàu Hải Dương Địa chất 4 đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15/3 trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất.

Trung Quốc và các nước láng giềng thỉnh thoảng có những bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Bắc Kinh trên biển.


Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và gọi các hoạt động này là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.

Ngay sau đó, năm 2020, cũng chính con tàu này đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia .

Cuộc đối đầu lớn nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông diễn ra vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

Vụ việc này có sự tham gia của hàng chục tàu chấp pháp của cả 2 nước và dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Cuối cùng, Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau hơn 2 tháng.


Khánh Vy (t/h)

Phát hiện 2 tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, khai thác trộm hải sản

Giới hữu trách Quảng Ninh đã phát hiện hai tàu Trung Quốc khai thác trộm hải sản trên vùng biển xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái.

Chia sẻ Facebook