Việt Nam lạm phát chi phí đẩy, tăng lãi suất không phải biện pháp
Trong thời điểm hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất để chống lạm phát là giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu...
Việt Nam lạm phát chi phí đẩy, tăng lãi suất không phải biện pháp
Tại toạ đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” vừa diễn ra, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chia sẻ góc nhìn về áp lực lạm phát tại Việt Nam thời gian qua.
Theo ông Nghĩa, "bóng ma" lạm phát đang ám ảnh các quốc gia trên thế giới. "Bóng ma" này được hình thành từ sự chủ quan, tin rằng việc tung hàng chục nghìn tỷ USD tung ra để đỡ nền kinh tế trong dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì lớn.
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ. Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga – Ukraine, điều mà không ai ngờ đến cũng khiến áp lực lạm phát tăng thêm. Các yếu tố này kéo sau là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu, và đi dần vào giá tiêu dùng. Tức chỉ có lạm phát chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu.
Và để chống lạm phát chi phí đẩy, vị chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước khó có thể làm gì hơn. Việc nới lỏng và thắt chặt đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vì vậy chính sách tiền tệ khó có động thái mạnh mẽ vào lúc này.
"Để chống lạm phát chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu. Bởi lẽ, xăng dầu của chúng ta đang đánh thuế 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hoá tăng giá”, ông Nghĩa đưa ý kiến.
Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua, tại Việt Nam nổi lên hàng loạt kênh đầu tư tư nhân như có trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, bitcoin (tiền số)… Trong khi đây là những kênh đầu tư chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở mức báo động theo các tiêu chí của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Để mua một căn hộ, những người lao động có thu nhập trung bình phải dành ra tới 30 năm tiền lương trở lên là có dấu hiệu bong bóng. Các giao dịch mua nhà rất ít, nhất là những giao dịch mua nhà để ở cho những tầng lớp lao động trung bình.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lòng tin của nhà đầu vẫn rất thấp nên triển vọng phục hồi còn khá bấp bênh. Nhưng dù sao, rủi ro vỡ nợ trái phiếu và kèm theo đó là bong bóng bất động sản dần mờ nhạt.
Về thị trường chứng khoán, một số tình trạng đầu cơ bầy đàn đã đẩy giá chứng khoán lên khá cao trong khi nền tảng tài chính của nhiều tập đoàn và công ty đang gặp khó khăn lớn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tâm lý lòng tham và nỗi sợ hãi khiến thị trường suy giảm rất mạnh, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ và tháo chạy.
Thị trường bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các kênh đầu tư này trong một khoảng thời gian đã gần như tê liệt và giá cả giảm mạnh khiến có những nhà đầu tư đã mất hàng trăm triệu USD .
Từ thực tế trên, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị nhà đầu tư nên chia tổng nguồn vốn của mình thành nhiều kênh đầu tư. Bao gồm: tiền gửi tiết kiệm; chứng khoán; vàng... mỗi loại hình khoảng 10-20%. Riêng đầu tư bất động sản chỉ dành cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và trong điều kiện giá bất động sản đang ở chu kỳ bình thường.
"Nếu đầu tư vào chu kỳ bất động sản tăng giá nhanh thì phải biết lựa chọn phân khúc nhà gắn liền với đất hoặc đất nền. Đây là một dạng đầu tư mang tính chất đầu cơ rủi ro khá lớn trong trường hợp thị trường này bị xì bong bóng hoặc đóng băng", ông Nghĩa đưa ra lưu ý.
Vũ Phong
VnEconomy