Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu 268,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 134,77 triệu USD.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,66 triệu tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 11/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,09% về lượng và chiếm 92,59% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 247,64 nghìn tấn, trị giá 124,78 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá so với tháng 10/2023; So với tháng 11/2022 giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 6,8% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 503,9 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 19,5% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,43 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2023, Trung Quốc nhập khẩu 233,76 nghìn tấn sắn lát (HS 07141020), với trị giá 66,92 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với tháng 10/2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 5,35 triệu tấn sắn lát, với trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Theo Công Thương , đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Campuchia và Nigeria tăng. Trong khi nhập khẩu từ Thái Lan và Lào sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 667,15 nghìn tấn, trị giá 183,01 triệu USD, tăng 28,9% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,47% về lượng và chiếm 12,38% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ gom mua sắn lát, VietNamNet dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 10/2023, quốc gia này nhập khẩu 308 nghìn tấn tinh bột sắn, giá trị đạt 169,14 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 19,4% về giá trị so với tháng 10/2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, Trung Quốc chi ra 1,28 tỷ USD để nhập khẩu 2,54 triệu tấn tinh bột sắn. So với cùng kỳ năm ngoái, tinh bột sắn nhập khẩu giảm 26,8% lượng và giảm 29,2% giá trị.
Các quốc gia cung cấp tinh bột sắn chủ yếu cho Trung Quốc gồm: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, và Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, tăng nhập khẩu từ Lào và Indonesia.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 31,28% về lượng và chiếm 30,06% về giá trị, thấp hơn so với 10 tháng năm 2022.
Hiện, các nhà máy sản xuất tại Việt Nam chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 510-520 USD/tấn FOB cảng Tp.HCM. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 3.800- 4.050 CNY/tấn.
Nhu cầu hỏi mua hàng tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc có xu hướng nhiều hơn để chuẩn bị nguồn hàng sản xuất cho dịp lễ Tết cuối năm. Tuy nhiên, giá bán tinh bột sắn tại một số nước ASEAN vẫn cạnh tranh hơn so với giá hàng cùng loại của Việt Nam khi cùng vào chính vụ.
Minh Hoa (t/h)