Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp
So với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
Môi trường hấp dẫn để đầu tư
Trong hơn 1 năm qua, thị trường FDI tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kéo theo nhu cầu lớn cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) công nghiệp, thương mại đến từ các khách hàng này.
Báo cáo của UNCTAD (Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển) cho thấy tại châu Á, nơi nhận 40% vốn FDI toàn cầu, đã chứng kiến dòng chảy tăng trong năm thứ 3 liên tiếp vào năm 2021 lên mức cao nhất mọi thời đại là 619 tỷ USD. FDI vào Trung Quốc tăng 21% và ở Đông Nam Á tăng 44%.
Ông Christopher J Marriott, Tổng Giám đốc Savills Đông Nam Á nhìn nhận trong những năm gần đây các khoản tư vào khu vực châu Á Thái Bình Dương có xu hướng chuyển dịch vào lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và trung tâm dữ liệu.
"Với sự phát triển của thương mại điện tử, mở rộng và đa dạng hoá chuỗi cung ứng, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ở Đông Nam Á đang có sự tăng trưởng. Các quỹ đầu tư đang tập trung vào thị trường có sự phát triển của sản xuất và logistic. Thêm vào đó, sự phát triển công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu để xử lý lưu lượng truy cập", ông Christopher J Marriott nói.
Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá Việt Nam là nơi hấp dẫn để kinh doanh với đội ngũ người lao động chất lượng, phân phối tốt và sức cầu của thị trường cao. Đồng thời đây là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp để kinh doanh tiếp tục đầu tư trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, một trong những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện tại là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Các sản phẩm thô tập trung ở Indonesia, ngành ô tô và nông nghiệp ở Thái Lan nhưng ngành điện tử đang phát triển ở Việt Nam. Ngành công nghệ đang được thúc đẩy bởi lực lượng lao động có trình độ cao.
Hiện nay, chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn. Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hoá đang bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistic nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia Savills cho rằng, khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Chi phí tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng, đặc biệt sau đại dịch.
Ở góc độ vĩ mô, sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1 với các công ty Trung Quốc có nhu cầu mở rộng sang thị trường nước ngoài và nhu cầu từ các công ty đa quốc gia mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển này.
Với sự tăng trưởng đó, đây sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và điện tử. Tại Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn sản xuất các mặt hàng cao cấp về công nghệ và điện tử trên thị trường.
Nhiều thương vụ sôi động
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường BĐS công nghiệp cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Đơn cử như tháng 2, Công ty Phát triển Công nghiệp BW mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh), do DEEP C phát triển.
CapitaLand Development cũng thông báo việc kí biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang. Hai bên sẽ đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics có tổng diện tích hơn 400 ha trên toàn tỉnh với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD.
Những giao dịch đáng chú ý gần đây còn có việc Công ty TNHH Boustead Projects đã mua lại 49% cổ phần trong Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD.
Ngoài các loại hình bất động sản truyền thống, trong tháng 6, một thương vụ đầu tư vào BĐS trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hong Kong với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3. Diện tích dự án 6.056 m2 tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp cũng đã khởi công nhiều dự án. Đơn cử như VSIP 3, khu công nghiệp thứ 11 của VSIP tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương với diện tích hơn 1.000 ha; Khu công nghiệp DEEP C - giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II với quy mô 10,6 ha; JD Future Explore V Limited xây dựng Khu Logistics JD Property Hải Phòng 1 tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1), với diện tích đất 97.000 m2.