Việt Nam hút nguồn vốn FDI chất lượng cao
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện là yếu tố thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới.
"Các diễn biến bất ổn trên thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư trong xu thế khu vực hóa", đây là nhận định mới nhất của quỹ ngoại Dragon Capital về bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Theo lý giải của quỹ ngoại này, Việt Nam có một vị trị địa lý thuận lợi khi là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế đông dân và năng động, đó là Trung Quốc và Đông Nam Á. Điều này cùng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua sẽ giúp cho Việt Nam có lợi thể thu hút chuyển dịch đầu tư, sản xuất. Nếu duy trì được lợi thế này, mức tăng trưởng GDP hàng năm đều đặn 6,5 - 7% là kịch bản trong ít nhất vài năm tới.
Báo cáo này cũng chỉ ra, tiền đồng hiện là một trong những đồng tiền mạnh nhất trong khu vực ở thời điểm này. Dự trữ ngoại hối dồi dào 110 tỷ USD giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao
Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam 220 triệu USD của Samsung đã hoàn thành xây dựng phần thô cuối tuần qua, tương ứng với tiến độ 70%.
"Samsung sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển R&D cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên người Việt dự kiến làm việc tại đây, đồng thời phát triển mởrộng sang lĩnh vực công nghệ cao là trọng tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo AI, cơ sở dữ liệu lớn Big Data, mạng 5G… Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển nói chung của Việt Nam", ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết.
Thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới, Samsung sẽ chứng minh cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam và ý chí quyết tâm đưa Việt Nam thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Tượng tự, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Giám đốc Vận hành của LEGO nhấn mạnh, sự ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý chiến lược và tay nghề nhân lực chất lượng cao là những lý do cho dự án 1 tỷ USD của doanh nghiệp này, với cam kết phát triển bền vững, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
"Chắc chắn các bạn sẽ thấy một mạng lưới cung ứng ngay tại Việt Nam. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng nhà máy này sẽ đi vào vận hành trong năm 2024 và sẽ còn tiếp tục vận hành tại Việt Nam trong 50 - 100 năm nữa. Dù khi đó tôi chắc cũng chẳng còn, nhưng gia đình LEGO vẫn sẽ ở Việt Nam", ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành, LEGO, nhận định.
Tổ chức quốc tế nhận định về động lực tăng trưởng của Việt Nam
Dòng vốn FDI có thể coi là một chỉ báo cho thấy mức độ hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong tương quan so với cả khu vực và thế giới, bởi dòng vốn FDI thế hệ mới là câu chuyện dài hạn, chứ không chỉ vài tháng hay vài năm.
Còn nếu xét trong bối cảnh trước mắt, đà phục hồi kinh tế lại là câu chuyện hấp dẫn hơn cả, khi mới đây, theo Nikkei Asian Review, Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, tức là ngang với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italy. Đây cũng là một trong số những động lực tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam, dưới góc nhìn từ các tổ chức quốc tế.
"Nhìn chung khi xếp hạng tăng lên, có nghĩa là tình hình dịch bệnh dần vào tầm kiểm soát và đất nước có khả năng hồi phục kinh tế tốt hơn. Tỷ lệ tiêm chủng càng cao, càng có thể mở cửa kinh tế nhiều hơn. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 23 trên 121 nước về tỷ lệ tiêm chủng, điều đó khá là tốt và chúng tôi đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực kinh tế. Ví dụ, ngành vận tải hàng không Việt Nam vẫn mở rộng nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh, mang lại vị thế quan trọng cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng hiện nay", chuyên gia báo chí dữ liệu của Nikkei Asia Review cho hay.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,5% trong năm nay. Việt Nam sẽ hưởng lợi những hiệp định thương mại tự do, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa nền kinh tế nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của tiêu dùng, nguồn vốn FDI ổn định, tăng trưởng xuất khẩu và tất nhiên là cả chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Năm 2023, dự báo tăng trưởng ở mức cao hơn, khoảng 7%", ông Luke Hong, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, cho hay.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là 6,5% và năm sau là 6,7%. Tính cho đến hiện tại, tình hình kinh tế vẫn bám sát với dự báo. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất có thể sẽ tác động đến tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam có dự trữ ngoại hối khá tốt nên Chính phủ có thể chủ động điều tiết trong trường hợp này", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định.
Câu chuyên phục hồi kinh tế cũng sẽ gắn chặt với đà phục hồi của nhóm ngành dịch vụ, điểm nhấn là du lịch. Đáng chú ý, tổng doanh thu du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hủy bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là những cơ sở để chúng ta tin tưởng ngành du lịch có thể bùng nổ trong dịp hè năm nay.
Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 12,1% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng hàng tháng cao nhất trong 1 năm qua.
"Chúng ta có lợi thế người đi sau, với lợi thế điểm đến mới, sản phẩm mới, cung cách phục vụ mới. Thời gian qua, chúng ta vượt qua Thái Lan và được vinh danh là lựa chọn điểm đến mới do tổ chức du lịch thế giới lựa chọn. Theo tôi đó là lợi thế cạnh tranh", ông Nguyên Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá.
Củng cố nội lực để giảm thiểu tác động của những thách thức bên ngoài, từ cạnh tranh thương mại, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, hay yếu tố lạm phát đã được minh chứng là sức hút lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm này. Như bài phát biểu mới đây của Thủ tướng tại đại học Havard, Mỹ đã nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động hiện nay, các nước phải chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập; trong đó, khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ cũng không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp, mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế".