Việt Nam: Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu “lỗ” nghìn tỷ đồng
Tại cuộc họp gần đây giữa Bộ Công thương và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến phản hồi về cách điều hành thị trường bất cập của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới hệ lụy nhóm doanh nghiệp này thua lỗ liên tục nhiều tháng, con số lỗ lên tới nghìn tỷ đồng.
Bộ Công thương “đẩy ngược”, muốn giao quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính
Sáng 14/2, Bộ Công thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu” với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu.
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang), cho biết với mỗi cửa hàng hiện nay, chi phí tối thiểu ước khoảng 100 triệu đồng/tháng. Số này bao gồm: lương nhân viên 30 triệu đồng; khấu hao 30 triệu đồng; điện nước, bảo vệ 10 triệu đồng; thuê đất, sửa chữa hao hụt 10 triệu đồng; chi phí kế toán, trả lãi ngân hàng 20 triệu đồng, báo Dân Trí đưa tin.
“Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh”, ông Tùng nói.
Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang kiến nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối.
Bên cạnh đó, ông Tùng đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3 – 5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2 – 2,5%.
Tái diễn tình trạng đóng cửa cây xăng, chiết khấu cho đại lý bất ổn?
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho biết một cây xăng phải chịu sự quản lý, điều chỉnh, giám sát hoạt động của 8 sở, ban ngành.
“Lạ nhất là khi lỗ cũng phải bán. Bán hàng nhưng không được quyết định giá bán, để người khác quy định giá. Một thị trường méo mó, biến động liên tục cần phải điều chỉnh để doanh nghiệp có thể sống”, ông Phụng nói, Tiền Phong dẫn lời.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban Chính sách của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết khoản lỗ trong 1 ngày của doanh nghiệp này bằng khoản lỗ trong 20 ngày của doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, doanh nghiệp đầu mối không có nguồn lực để chia sẻ chiết khấu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng: “Mệnh lệnh hành chính khiến doanh nghiệp làm việc này việc kia theo ý muốn của Nhà nước, nhưng nó chỉ là giải pháp tình thế. Phải làm sao để doanh nghiệp có động lực muốn bán hàng, muốn đầu tư, để phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng”.
An Giang: Nhiều cây xăng đóng cửa ngày 29 Tết “do hàng về chậm”
TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Xăng dầu nên để thị trường quyết định. Với cách quản lý hiện hành, phần lỗ Nhà nước bắt doanh nghiệp chịu là vô lý. Để giải quyết tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, Nhà nước cần nhiều giải pháp như bỏ trần giá xăng dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá và thậm chí tính đến bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước”.
“Cần có dự trữ xăng dầu quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm ra. Cần công bằng với DN. Các quy định như bắt DN thực hiện dự trữ, mua của một đầu mối hay nhiều đầu mối cũng cần bỏ. Việc dự trữ là do Nhà nước thực hiện. Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh” , ông Cung nói.
Theo TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân), Quỹ Bình ổn xăng dầu của Việt Nam đang gây bất ổn chứ không phải bình ổn giá. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào.
Ông Thế Anh khuyến nghị quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt, khi Nhà nước muốn trợ giá cho DN và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu.
Đức Minh
Người dân khốn đốn khi cây xăng đóng cửa hàng loạt hoặc bán "nhỏ giọt"
Theo truyền thông trong nước, những ngày qua hàng loạt cây xăng từ miền Tây đến TP.HCM, Bình Phước, Đồng Nai,... đều xuất hiện tình trạng đóng cửa.