Việt Nam đang thiếu gần 107.000 giáo viên

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 16:05:54

Trong 4 cấp học, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên. Tiếp đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên. Các bậc THCS và THPT lần lượt thiếu trên 18.000 giáo viên và gần 12.000 giáo viên.

TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay cả nước đang hiếu gần 107.000 giáo viên các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất, 44.000 giáo viên.

Học sinh đứng trong sân trường ở Nha Trang, Khánh Hòa, tháng 3/2016. (Ảnh minh họa: Dasha_Romanova/Shutterstock)

Thông tin được ông Tuấn Anh đưa ra tại hội thảo về bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, do Bộ GD-ĐT tổ chức, ngày 25/10.

Việc thiếu giáo viên xảy ra phổ biến ở các tỉnh vùng núi xa xôi.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ GD-ĐT cho là từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế 1,2 giáo viên/lớp. Bắt đầu từ năm 2015, thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, định mức nâng lên 1,5 giáo viên/lớp nhưng biên chế không tăng thêm.

Trong khi đó, học sinh tăng đều mỗi năm, đặc biệt tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…; chưa kể chính sách tuyển dụng và thu nhập chưa tương xứng nên khó thu hút nguồn tuyển ở những môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng trước đây khi triển khai chương trình giáo dục theo Quyết định 16/2006 đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Đến nay, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học mới khiến nhân sự càng khó khăn hơn. Trong đó, các môn học không thay đổi tên gọi so với chương trình cũ đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ số tiết nên không xáo trộn về nhân sự; cơ cấu giáo viên biến động ở các môn học mới.

Trước tình hình trên, ông Tuấn Anh đề nghị các địa phương tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Các phương án được nêu ra như đặt hàng các trường sư phạm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học; xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện; sắp xếp giáo viên liên trường, liên cấp.


Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tại Bắc Ninh, ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – ông Nguyễn Kim Sơn nêu lên vấn đề: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”, theo báo Thanh Niên .


Ông Sơn cho biết về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý. “Bộ không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không điều động chỗ này chỗ kia được […], ông giám đốc sở GD-ĐT ở địa phương cũng không có quyền điều động giáo viên từ huyện này sang huyện kia”, theo ông Sơn.

Sau vài năm đi “xin” biên chế, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025. Trong năm 2022 dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

Một thực tế khác là nhiều địa phương không dám tuyển, xin chỉ tiêu thấp vì còn để dành chỉ tiêu sau khi trừ đi các suất giảm biên chế, vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai.

Về mặt tài chính, ông Sơn cho hay  khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học, đủ giáo viên là của các tỉnh thành. Ngành GD-ĐT lo về chất lượng, trình độ của giáo viên.

Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị Trung ương hỗ trợ. Nhưng hàng năm các địa phương làm việc với Trung ương về ngân sách thì Bộ GD-ĐT không được biết, việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành GD-ĐT không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa – ông Sơn cho hay.


Minh Sơn

TP.HCM: Nhà giáo, SV phải tiêm vắc-xin COVID-19 để trường được tính điểm thi đua?

Lý do là nhằm "tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người tại TP.HCM", theo nội dung văn bản của Sở LĐ-TB&XH.

Chia sẻ Facebook