"Việt Nam còn nhiều dư địa để kiểm soát tình hình vĩ mô"
Chuyên gia cho rằng, còn nhiều dư địa để có thể kiểm soát tình hình vĩ mô cuối năm, trong khi tín dụng tăng trưởng lành mạnh, tỷ giá ổn định…
Trong 6 tháng đầu năm, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chịu nhiều tác động ngoại cảnh, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank cho biết tại talkshow do báo Đầu tư tổ chức ngày 14/7.
Nhìn vào bức tranh lạm phát của các nước, ở Mỹ đã công bố lạm phát tháng 5 và gần đây là tháng 6 trên 9% ở mức rất cao, châu Âu là 8,6%, Anh là 9,1%, Hàn Quốc là 6%, Singapore lần đầu tiên trong lịch sử lạm phát tăng đến 5,6%, Philippines trên 6%, Thái Lan 7,6%…
Bà Hương nêu, bức tranh lạm phát đã xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới và trước bối cảnh này, các NHTW đều phải thực hiện động thái thắt chặt chính sách tiền tệ bằng tăng lãi suất. Điển hình trong 6 tháng đầu năm 2022, FED 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất, lần sau cao hơn lần trước, đến nay đưa mức lãi suất FED Fund Rate lên mức từ 1,25 – 1,7%, NHTW Anh 6 lần tăng lãi suất, NHTW châu Âu cũng đã tăng lãi suất liên tiếp.
Dự kiến vào cuộc họp ngày 27/7 tới đây của FED cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường cũng dự đoán mức tăng tối thiểu là 75 điểm cơ bản. Các tháng tiếp theo vào tháng 9,11,12 cũng có sự điều chỉnh có thể là 25 điểm cơ bản cho mỗi lần.
Ở châu Á, NHTW Hàn Quốc liên tiếp tăng lãi suất, Malaysia có mức lạm phát thấp hơn chỉ khoảng 2,8% nhưng cũng thận trọng và tăng lãi suất.
Với bối cảnh lạm phát tăng và lãi suất các nước liên tục điều chỉnh, ở trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ đạt được kết quả phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn đều giữ nguyên và ổn định giúp các NHTM có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay của NHNN với mức lãi suất thấp và tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định mức lãi suất cho vay.
Thứ hai, NHNN đã có sự điều tiết tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ rất linh hoạt thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở, lãi suất tiền tệ được duy trì ở mức rất thấp như hiện nay với lãi suất qua đêm chỉ từ 0,7 – 1% hay lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 2,5% - đây là mức lãi suất rất thấp giúp cho các ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn vốn để thực hiện nhu cầu thanh khoản với chi phí rất thấp.
Thứ ba, tỷ giá trung tâm cũng được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến trong nước cũng như quốc tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống với mức mà NHNN định hướng là 14% trong năm nay và 6 tháng được là 9,35%, có thể thấy là vẫn có những dư địa để đạt 14% đến cuối năm. Đồng thời với kiểm soát quy mô tín dụng, NHNN cũng định hướng các NHTM tập trung gắn liền với chất lượng tín dụng và định hướng tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất, kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay dự án BOT giao thông…
"Tôi tin rằng, với khả năng về mặt tài chính được tăng cường của hệ thống ngân hàng và năng lực quản trị của các ngân hàng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là về nguồn vốn được bổ sung thông qua các đợt tăng vốn của những năm trước đây thì năng lực điều hành, kiểm soát của các NHTM có thể giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2022", lãnh đạo ABBank nhận định.
Một yếu tố nữa bà Hương đề cập là chỉ số lạm phát. Mục tiêu đầu tiên của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, trong bức tranh lạm phát của các nước vừa đề cập rất cao, thì lạm phát của Việt Nam, chỉ số CPI đến hết tháng 6 trung bình ở mức 2,44%, đây là mức rất thấp so với các nước trên thế giới và các nước trong khu vực.
Đặc biệt, chỉ số lạm phát cơ bản - lõi (sau khi loại bỏ các cú sốc) chỉ ở mức 1,25% trung bình trong 6 tháng qua. Điều này cho thấy mức tăng của CPI chủ yếu do lạm phát nhập khẩu, còn các chỉ số trong nước vẫn ổn định, chúng ta vẫn ở dưới mức mục tiêu kiểm soát.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang song song 2 mục tiêu chính là ổn định và nương theo tình hình thế giới. Hiện Việt Nam có động thái nối tiếp các nước phát triển Mỹ, EU. Đây là giải pháp vừa mang tính chất ổn định vĩ mô, cũng là đi theo xu hướng để tránh áp lực lãi suất và tỷ giá, USD tăng mạnh, ảnh hưởng tới các đồng tiền khác như EUR, Yen, NDT, còn VNĐ đang ổn định hơn.
Vị này cho rằng, các yếu tố tác động lạm phát vào nền kinh tế Việt Nam chậm hơn và ít hơn so với các nước khác. Vì một phần Việt Nam đang nằm trong chuỗi cung ứng, nên mức tác động cũng chậm hơn, ít hơn so với Mỹ, EU – nhờ vậy Việt Nam có các chính sách vĩ mô có thể ổn định hơn các nước khác.
Chuyên gia nhận định, hệ thống thanh khoản của các ngân hàng vừa qua khá tốt, nhờ các ngân hàng các năm qua cũng tranh thủ tăng vốn, đảm bảo tính thanh khoản của mình.
Đồng tình với bà Hương, ông Minh cho rằng còn nhiều dư địa để có thể kiểm soát tình hình vĩ mô cuối năm, trong hai vấn đề lãi suất và tỷ giá, thì trước mắt, có những bức tranh kỳ vọng lạm phát những tháng tới đạt đỉnh, đặc biệt tháng 7. Tương đồng các dự báo của các tổ chức tài chính thế giới về việc lạm phát có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm. Theo đó, áp lực lạm phát và lãi suất có thể trở nên nhẹ nhàng hơn trong thời gian tới, trong khi thời gian qua đã khá căng thẳng.
"Về tỷ giá, sau 2021 gặp khó khăn vì COVID, 2022 khi xuất khẩu tăng trưởng trở lại, thì nay thặng dư đạt 7,2 tỷ USD. Với nguồn lực dồi dào như này thì có dư địa để ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD chưa hạ nhiệt", ông Minh cho biết.