Việt Nam có tỉ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành cao
Theo bà Hương, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm trẻ, đây là vấn đề đáng báo động.
Nguy cơ gây tử vong, bệnh tật và đói nghèo
Tiếp tục chương trình hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm diễn ra tại Hải Phòng , sáng 21/9, Ths.Nguyễn Thị Thu Hương- Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Y tế đã thông tin tổng quan về các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá và các chính sách ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.
Bà Hương cho hay, thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo và gây ra tác hại đối với môi trường, kinh tế và xã hội trên thế giới. 80% người hút thuốc trên thế giới sống ở nước thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam có tỉ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3, sau Indonesia và Lào.
Việt Nam là quốc gia áp dụng mức thuế thuốc lá hiện nay (38,8%) thấp so với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN, và thấp hơn rất nhiều so với khuyến nghị của WHO (75%).
Với nguy hại do sử dụng thuốc lá gây ra trên toàn cầu, bà Hương cho hay chúng ta đã có Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do WHO khởi xướng, đây là công ước quốc tế đầu tiên về y tế công cộng, tiếp bước cùng chung tay ngăn ngừa thuốc lá trên toàn cầu.
Có 6 biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (MPOWER) bao gồm: Theo dõi việc sử dụng thuốc lá và thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá; bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; cảnh báo về tác hại thuốc lá; thực thi nghiêm các qui định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá và tăng thuế thuốc lá.
“Càng ngày càng có nhiều quốc gia và nhiều người dân được hưởng lợi từ việc nỗ lực thực hiện các chính sách về phòng chống tác hại thuốc lá”, bà Hương nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hương, hiện nay một số ngành công nghiệp thuốc lá, tập đoàn thuốc lá đa quốc gia cho rằng muốn giảm tác hại thì có sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhưng, bà Hương nhấn mạnh rằng muốn giảm tác hại thuốc lá phải thực thi tốt các biện pháp để phòng chống thuốc lá theo đúng tinh thần Công ước khung.
Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trong nam giới: Theo đó, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại nước ta trong nam giới đã giảm trung bình khoảng 0,5%/năm, nhưng tỉ lệ sử dụng vẫn còn rất cao, đặc biệt là trong nam giới là 38,9% (Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh năm 2022 - 2023).
Theo bà Hương, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm trẻ, đây là vấn đề đáng báo động. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 năm 2022, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi này là 3,5% (nam giới là 4,3%, nữ giới là 2,8%). Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi trưởng thành (trên 15 tuổi) là 3,6%.
Công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt.
Về chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá, bà Hương thông tin, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70 - 75% giá bán lẻ.
Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. (Tỉ lệ thuế ở các nước phát triển là 67,9%). Malaysia là 58,60%, Singapore là 67,50% và Thái Lan là 78,60%.
Cùng với đó, bà Hương cho biết, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ, người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng. Một số sản phẩm thuốc lá mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, ... chưa có quy định quản lý rõ ràng.
Giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỉ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới;
Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng;
Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm;
Nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện; việc chi trả cho các hoạt động điều trị, tư vấn cai nghiện thuốc lá từ Quỹ bảo hiểm y tế;
Cùng với đó, tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá như:
Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông; phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động;
Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng;
Đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá như: Nâng cao nhận thức cho mọi người về các chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá; tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá, bao gồm các sản phẩm thuốc lá mời (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,....); lợi ích của môi trường không khói thuốc, cai nghiện thuốc lá.
Thay đổi hành vi của người hút thuốc (không hút thuốc gần mọi người, không hút thuốc tại nơi có quy định cấm, bỏ thuốc...).
Cần tăng thuế với tất cả sản phẩm không tốt cho sức khỏe
Chia sẻ về phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam thông qua giải pháp tăng thuế, ông Mark Goodchild - Chuyên gia chính sách tài chính y tế, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, tim mạch, tiểu đường và ung thư gây ra khoảng 500.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam.
Nhiều bệnh không lây nhiễm do các yếu tố nguy cơ do hành vi lối sống: Sử dụng hoặc tiêu thụ quá mức các sản phẩm không tốt cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia và đồ uống có đường.
Theo ông Mark Goodchild, mức tiêu thụ cao hơn các sản phẩm này thường gắn liền với các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tự do hóa thương mại, tiếp thị ngành và các hoạt động quảng cáo.
“Điều này phản ánh các “thất bại của thị trường” cần có sự can thiệp của Chính phủ. Đồng thời, các yếu tố nguy cơ do hành vi lối sống cũng có thể sửa đổi được thông qua thay đổi hành vi, lối sống của người dân”, ông Mark Goodchild nói.
Theo ông Mark Goodchild, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, giá thấp khuyến khích giới trẻ và người nghèo sử dụng.
Tỉ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá năm 2020 ở Việt Nam chỉ là 38% so với 59% ở tất cả các nước thu nhập trung bình.
Ông Mark Goodchild cho rằng giá thuốc lá càng trở nên phải chăng hơn ở Việt Nam do thu nhập tăng lên – điều này cũng khuyến khích tiêu thụ.
Ông chỉ ra, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên tỉ lệ phần trăm của Việt Nam có một số điểm yếu, bao gồm cả việc cho phép mức “chênh lệch giá” lớn và cung cấp các sản phẩm rất rẻ trên thị trường.
Như vậy, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên tỉ lệ phần trăm cũng khó quản lý một cách hiệu quả.
Chiến lược cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2011-2030 bao gồm phương án cải cách hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp đối với các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.
Do đó, chuyên gia chính sách tài chính y tế WHO cho rằng cần phải tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam, trong đó thuốc lá là ưu tiên rõ ràng.
Việt Nam nên áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo phương pháp hỗn hợp đối với thuốc lá càng sớm càng tốt để phù hợp với các thực hành tốt nhất trên toàn cầu…. .