Việt Nam có cơ hội lớn phát triển kinh tế số
Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam phát triển và ứng dụng Blockchain hiệu quả vào nền kinh tế số, đóng góp thúc đẩy hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Việt Nam có cơ hội lớn phát triển kinh tế số
Ngày 19-4, tại TP HCM , Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) chính thức ra mắt và tổ chức tọa đàm "Cơ hội phát triển kinh tế số quốc gia và khát vọng hùng cường".
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết năm 2022 đang chứng kiến kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu, sẽ gồm 4 xu hướng chủ đạo là: Metaverse (Vũ trụ ảo), Web 3.0, AI (Trí tuệ nhân tạo), và Blockchain (Chuỗi khối).
Cũng theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý rất quan tâm khuôn khổ pháp lý cho Blockchain và đã tổ chức nhiều diễn đàn về chủ đề này. Dù vậy, hiện chưa có hành lang pháp lý cho lĩnh vực rất mới nhưng cũng đầy hứa hẹn này. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý để lĩnh vực này vận hành, góp phần làm ra của cải cho nền kinh tế nhưng phải bảo đảm an toàn, an ninh.
Công nghệ Blockchain là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2025 "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng công nghệ của Công nghiệp 4.0", trong đó Blockchain được xếp thứ 2 sau AI trong loạt các sản phẩm công nghệ chủ chốt.
Gần đây nhất (3-2022), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo.
T. Nhân
Người lao động