Việt Nam có cần tiêm vắc xin bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát?
Ngay khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở một số nước trên thế giới, Bộ Y tế đã liên tục có văn bản thông tin về bệnh, cảnh báo, tăng cường giám sát ca bệnh. Nhiều người lo lắng có cần phải tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ không?
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, tính đến 25-5 thế giới đã ghi nhận hơn 158 người mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận tử vong.
Theo ông Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành tại các nước khu vực châu Âu, châu Phi, vì vậy người dân không cần quá lo lắng.
"Dịch đậu mùa khỉ vẫn cần có thời gian theo dõi, nghiên cứu tại Việt Nam. Việc tiêm vắc xin đậu mùa khỉ là chưa cần thiết. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan, mà cần tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi, cảnh báo đến người dân về diễn biến bệnh, đưa ra các phương án dự phòng để kiểm soát dịch bệnh kịp thời", ông Nga nói.
Đồng quan điểm với ông Nga, ông Bùi Vũ Bình - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Đại học Y Hà Nội - cũng cho rằng việc tiêm vắc xin đậu mùa khỉ tại Việt Nam là chưa cần thiết.
Ông Bình cho rằng: "Hiện nay, các chuyên gia trên thế giới cũng không khuyến cáo tiêm mở rộng vắc xin bệnh đậu mùa khỉ. Tại Việt Nam hay một số nước Đông Nam Á cũng chưa ghi nhận ca bệnh, bởi vậy chúng ta chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của WHO".
Ngày 25-5, Cục Y tế dự phòng có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan).
Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur nhằm chẩn đoán xác định ca bệnh.
Các biện pháp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo trước mắt, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán và đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó virus gây bệnh COVID-19 rất dễ lây lan, có thể chỉ qua nói chuyện.