Việt Nam áp thuế mới, doanh nghiệp nước ngoài dọa ngưng đầu tư
Các tập đoàn đa quốc gia lớn nói rằng họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam do không được trợ cấp để bù đắp cho khoản thuế bổ sung mới, theo một nguồn tin tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề này giữa các nhà đầu tư và chính phủ Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Doanh nghiệp nước ngoài đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam
9 tháng 3 2024
Việt Nam, trung tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, là một trong những bên hưởng lợi chính từ làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu tác động từ căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Từ năm nay, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn – một đề xuất do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hướng dẫn thực hiện.
Theo đề xuất, các ưu đãi giảm thuế suất xuống mức thấp nhất là 5% sẽ không còn được áp dụng, nghĩa là một số doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải nộp thuế bổ sung để đủ mức 15%.
Một số doanh nghiệp đa quốc gia từ Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết thuế suất thấp từng được đưa ra để thu hút các khoản đầu tư hiện hữu, đồng thời cho biết sẽ khó có những khoản đầu tư mới nếu [chính quyền Việt Nam] không có các biện pháp bù đắp cho khoản thuế bổ sung, theo nguồn tin từ Reuters.
Vì sao người giàu Việt Nam đổ tiền đầu tư nhập tịch? 1 tháng 3 năm 2024 Ngân hàng SCB Thái Lan mua đứt Home Credit Việt Nam 29 tháng 2 năm 2024 VinFast: Thấy gì từ con số lỗ hàng tỷ đô la? 26 tháng 2 năm 2024
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đang gây áp lực với chính phủ Việt Nam
Đầu năm ngoái, chính quyền [Việt Nam] từng cam kết sẽ có các khoản trợ cấp mới, nhưng hiện vẫn chưa thực sự cung cấp bất kỳ khoản nào.
Vào tháng 12/2023, phía chính quyền đã công bố một dự thảo nghị định trong đó phác thảo các khoản trợ cấp mới.
Dự thảo cũng bao gồm điều kiện để được nhận trợ cấp, chẳng hạn như phải được xếp vào nhóm doanh nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, nhiều khía cạnh quan trọng vẫn chưa rõ ràng, chẳng hạn quy mô quỹ trợ cấp và tiến độ phê duyệt các giải pháp này.
Vào thứ Ba (5/3), đại diện từ các doanh nghiệp đa quốc gia đã bày tỏ lo ngại với các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư [Việt Nam] về quy mô, phạm vi và khả năng tiếp cận đối với gói giải pháp hỗ trợ nói trên, nguồn tin tham dự cuộc họp nói với Reuters.
Nguồn tin yêu cầu ẩn danh do cuộc họp này không được công khai.
Trong cuộc họp, một đại diện của Tập đoàn Lego đã đặt câu hỏi liệu các công ty không được xếp vào nhóm doanh nghiệp công nghệ cao như Lego có đủ điều kiện để nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào trong dự thảo nghị định hay không.
Quan chức từ Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Việt Nam đã trả lời là không.
Lego hiện đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Đan Mạch chuyên sản xuất đồ chơi này xác nhận với Reuters rằng một trong những đại diện của họ đã đặt một câu hỏi về vấn đề này trong cuộc họp đó.
Theo nguồn tin của Reuters, một đại diện của công ty Amkor Technology từ Hoa Kỳ - công ty đang xây dựng một nhà máy 1,6 tỷ USD tại Việt Nam để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói thiết bị bán dẫn, cho biết họ đã phải rất chật vật mới được xếp loại là công ty công nghệ cao.
Cũng theo nguồn tin này, đại diện của Samsung Electronics, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, không đóng góp ý kiến trong cuộc họp.
Doanh nghiệp Hàn Quốc này vốn là một trong số những công ty dẫn đầu trong việc kêu gọi triển khai các biện pháp bù đắp gánh nặng từ việc tăng thuế nói trên.
Công ty Amkor Technology, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Samsung đều từ chối trả lời bình luận của Reuters.
Thông qua nguồn thuế bổ sung, chính quyền [Việt Nam] ước tính sẽ thu thêm được 14.600 tỷ đồng tiền thuế hằng năm từ 122 doanh nghiệp nước ngoài.
Chính quyền cho biết dự định sử dụng khoản thu đột biến này để trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp đang đầu tư [vào Việt Nam].
Tuy nhiên, vào thứ Ba (5/3), các quan chức chính phủ nói với đại diện các tập đoàn rằng khoản trợ cấp mới sẽ không cung cấp những khoản bồi thường trực tiếp để bù đắp cho gánh nặng thuế gia tăng từ đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu, theo nguồn tin của Reuters.
Tuy nhiên, việc chi trợ cấp trực tiếp có thể vi phạm thỏa thuận quốc tế liên quan tới sáng kiến này và cũng có thể dẫn tới tình trạng chuyển lợi nhuận, chuyển giá về đất nước của các công ty đa quốc gia, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế từng nói, dù các thức để thực thi các biện pháp này vẫn chưa rõ ràng.
Đối với một vài doanh nghiệp, khoản trợ cấp mới sẽ giúp trang trải phần lớn, thậm chí là toàn bộ, chi phí từ khoản thuế bổ sung, theo đánh giá từ các chuyên gia hiểu rõ về các cuộc thảo luận xoay quanh chính sách ưu đãi nói trên.