Việt Nam áp gần 48% thuế với mía đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan
Bộ Công thương Việt Nam vừa cho biết sản phẩm mía đường nhập khẩu từ 5 nước nếu sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan sẽ bị áp thuế gần 48%.
Bộ Công thương Việt Nam vừa cho biết sản phẩm mía đường nhập khẩu từ 5 nước gồm: Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Myanmar nếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Thái Lan sẽ bị áp thuế chống bán phá giá là 42,9%, mức thuế chống trợ cấp là 4,6%.
Quyết định số 1514 của Bộ Công thương Việt Nam ban hành ngày 1/8, cho biết sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước gồm: Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Myanmar.
Theo quyết định này, đường nhập khẩu từ tất cả các công ty sản xuất, xuất khẩu của 5 quốc gia trên có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, với mức thuế chống bán phá giá là 42,9% và thuế chống trợ cấp là 4,6%.
Như vậy, tổng mức thuế là 47,6% với thời gian áp dụng là từ ngày 9/8/2022 đến hết ngày 15/6/2026 (sau 7 ngày kể từ ngày quyết định được ban hành, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công thương).
Cũng theo Quyết định 1514, đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên, nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Theo báo Tuổi Trẻ, mức thuế áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.90 và 1702.90.91.
Trong đó, mã 1701 là đường mía hoặc đường củ cải, đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn. Mã 1702 là đường khác, kể cả đường lactose, mantoza, glucoza, tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn; sirô đường chua pha thêm hương liệu hoặc chất màu, mật ong nhân tạo đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên, đường caramen.
Bộ Công thương Việt Nam cho biết hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.
Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có đơn đề nghị Chính phủ giải quyết vấn đề đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ gây thiệt hại lớn đến ngành sản xuất mía đường trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hàng loạt.
Đức Minh
Doanh nghiệp thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế tại Mỹ
Ống thép của Việt Nam đối diện nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế tại Mỹ, với lý do nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc