Việt Nam 2022 từ những góc nhìn: Tiếng nói về quyền được sống

Chia sẻ Facebook
01/01/2023 19:27:23

2022 là năm đầu tiên VN bước ra ngoài dịch viêm phổi Vũ Hán. Nhưng những vấn đề bị phát lộ trong cơn đại dịch dường như vẫn hằn sâu thêm.


Sau 2 năm bối rối, nỗ lực và gắng gượng, năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam bước ra ngoài dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tuy nhiên, những vấn đề bị phát lộ trong cơn đại dịch, trong một năm qua, dường như vẫn tiếp tục hằn sâu thêm. Bệnh viện thiếu thuốc, làn sóng bỏ việc lan mạnh từ y tế sang giáo dục, bạo lực xã hội gia tăng trong khi quyền phát ngôn, quyền tín ngưỡng dịch chuyển về chiều kiểm soát. Cuộc thanh trừng quan chức, doanh nhân không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng dường như không chạm được tới hạ tầng khi câu hỏi lớn nhất của người dân trong một năm qua luôn là “giá xăng hôm nay”

Hai đứa trẻ ở Sapa, Lào Cai, Việt Nam. (Ảnh minh họa: R.M. Nunes/Shutterstock)

Dù không toàn vẹn nhưng đối với những vấn đề nổi cộm, xin trích dẫn một góc nhìn như một cảnh cận, để bạn đọc có một ví dụ để hình dung đồng thời có thể tự xâu chuỗi và phóng lớn để thấy được bức tranh toàn cảnh của đất nước mình, từ những điều lớn lao như quyền con người, quyền tín ngưỡng đến những vấn đề thiết yếu như y tế, giáo dục, lao động, mạng người…

“Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!”


“Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!” – luật sư Trịnh Vĩnh Phúc tuyên bố trong lời kết phần bào chữa tại phiên tòa xét xử phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang.


Trưa 25/8, sau nửa ngày xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 9 năm tù đối với bà Trang (SN 1978, quê quán Hà Nội) – người bị bắt tại TP.HCM vào đêm 6/10/2020, chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ kết thúc.

Bà Trang sau đó bị khởi tố và đưa ra xét xử về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 (hiện nay là Điều 117 Bộ luật hình sự 2015).

Sự ủng hộ của quốc tế đối với bà Trang đến từ các tổ chức phi chính phủ cho tới tổ chức chính phủ. Tròn 3 tháng sau khi TAND TP. Hà Nội tuyên bà Trang 9 năm tù tại phiên sơ thẩm, ngày 14/3/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chủ trì lễ trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” (IWOC) cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cùng 11 phụ nữ khác trên toàn cầu. Giải thưởng này biểu dương cho lòng dũng cảm, sức mạnh và khả năng lãnh đạo đặc biệt của phụ nữ trong việc vận động cho hòa bình, công lý, nhân quyền… bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình.


“Nếu các nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị, thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!” – lời trích dẫn của luật sư như một tiếng thở dài bi ai về công lý, về đất nước, con người Việt Nam, dù tháng 10 trong năm, Chính phủ trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lần 2 .

“Mọi người Việt Nam đều có quyền xây dựng đức tin, chọn tôn giáo và tín ngưỡng cho mình…”


Từ trước khi bị bắt, đến bị khởi tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền Am bên bờ vũ trụ) bất đắc dĩ trở thành đối tượng bị bàn luận của dư luận trong suốt thời gian dài. Ranh giới của bàn luận cũng mong manh, giữa những ý kiến đơn thuần là đàm tếu với nhóm người cố gắng luận giải về gần ba chục con người bình dân bị khoác lên lớp vỏ ngoài bí ẩn.

“Loạn luân”, “lừa đảo” trở thành từ khóa tìm kiếm đối với những ông bà già, thanh niên, trẻ nhỏ tại Tịnh thất Bồng Lai – được đẩy lên theo chuỗi “đàm luận” livestream có hàng ngàn người theo dõi của bà Nguyễn Phương Hằng – CEO Đại Nam. Cuộc lật kèo của “truyền thông” diễn ra bất ngờ khi chỉ sau hơn 2 tháng kể từ khi 4 người đầu tiên tại Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố, bà Hằng cũng bị bắt giữ, khởi tố, tới nay đã nhiều lần bị gia hạn tạm giam.

Điểm chung là cả nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai và bà Hằng đều bị cáo buộc tội danh Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Điểm khác biệt là vấn đề “Tịnh thất Bồng Lai” đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Sau phiên sơ thẩm ngày 21/7, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa tất cả 6 thành viên Tịnh thất Bồng Lai bị chịu án tù vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu.


“Mọi người Việt Nam đều có quyền xây dựng đức tin, chọn tôn giáo và tín ngưỡng cho mình…” – ông Lê Tùng Vân viết trong đơn kháng cáo, để nói rằng ông và các đệ tử của ông đang bị đối xử bất công, hàm oan với tổng án 23,5 năm tù. Lời khẳng định mang tính cá nhân này vô hình trung gợi nhắc về hình ảnh hàng triệu người Việt đang loay hoay với tín ngưỡng của chính mình – vốn là cái nôi để nuôi dưỡng và lưu giữ đạo đức, phẩm hạnh của bản thân và xã hội.

“Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo”


Đây là một bi kịch khác của xã hội, dưới lớp áo y tế, được bác sĩ Nguyễn Tri Thức , Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu lên trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 22/10.

18 tháng (từ ngày 1/1/2021 – 30/6/2022) có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc; tính đến tháng 6/2022, 41 bệnh viện, Sở Y tế thiếu thuốc; 22 bệnh viện, Sở Y tế thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu (trong tổng số 55 bệnh viện, Sở Y tế có báo cáo tính trên 102 bệnh viện, Sở Y tế).

Đám đông bệnh nhân ngồi đợi trong sảnh một bệnh viện công tại TP.HCM, tháng 4/2014. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)


Giữa bối cảnh loạt bác sĩ đầu ngành bị bắt do sai phạm trong đấu thầu, tới vụ Việt Á, Bộ Y tế nói cấp cơ sở “sợ sai, sợ bị thanh tra, không dám đấu thầu” , Sở Y tế nói do cơ chế đấu thầu bất cập khi Thông tư 15 về đấu thầu thuốc và Thông tư 14 về đấu thầu thiết bị y tế đều quy định “phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tếcông bố làm cơ sở xây dựng đơn giá”, tức giá năm sau phải giảm so với giá năm trước, bất kể biến động cung-cầu, tỷ giá chênh lệch… Bệnh viện nói bế tắc khi thuốc hết, máy móc độc quyền hư hỏng, nhưng mua mới qua đấu thầu thì không vượt khỏi nguyên tắc “phải tham khảo 3 gói giá”, đối chiếu chéo để về giá thấp nhất… Rất nhiều nguyên tắc, nhưng giá thị trường, tiêu chí đánh giá chuyên môn thì bị bỏ qua.


“Người có tiền không phải lo lắng, nhưng còn người nghèo thì quyền lợi nằm ở đâu? Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo” – bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói, cho rằng bác sĩ đã bỏ công sang tư thì người nghèo càng mất cơ hội – một nan đề khác khi bệnh viện túng quẫn, bất lực trong “vòng kim cô” tự chủ nửa vời.

“Giá SGK rất rẻ, không ảnh hưởng đến thu nhập các gia đình”

Ông Ngô Trần Ái – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam nói giá sách giáo khoa (SGK) Việt Nam rẻ hơn truyện, rẻ hơn SGK một số nước trong khu vực, giá sách không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập các gia đình khi so với một số chi phí khác, hôm 29/9.


Lấy ví dụ, ông Ái nói bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyển giá 220.000 đồng, chia trung bình, xấp xỉ 18.000 đồng/quyển. Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự… đã 90.000-100.000 đồng. “So sánh như vậy để thấy giá SGK rất rẻ”, ông Ái nói.


Cận ngày kết thúc năm, chiều 29/12, Thanh tra Chính phủ ký thông báo kết luận thanh tra trong 5 năm (từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018), rằng “có dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam, và NXB Giáo dục Việt Nam “lạm dụng độc quyền” , đăng ký giá từ năm 2011 cao bất hợp lý, tăng giá bán SGK (tăng 19,6%) từ năm học 2019 – 2020…

Chỉ tính trong giai đoạn thanh tra, kết quả lãng phí tạm tính đối với gia đình học sinh (tức khách hàng) là hơn 2.460 tỷ đồng (gồm hơn 85,1 tỷ đồng mua SGK cao hơn giá thực tế và hơn 2.374 tỷ đồng do 65% SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét 2 nội dung, gồm dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập và việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK của NXB này; phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua SGK cao hơn giá SGK mà NXB phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay…


Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam – ông Hoàng Lê Bách từng phủ định nghi vấn có lợi ích nhóm khi làm SGK, hồi tháng 9/2018, cho hay mỗi năm NXB Giáo dục bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành SGK. Song trong năm 2021, NXB này công bố đạt doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng, lãi sau thuế 287 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào việc phát hành SGK.

“Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao”

Hơn 42.000 lao động mất việc chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, khi có tới 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm và đây là con số có thể thống kê được do người lao động được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm.

Chiều 8/12, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) công bố các con số trên, không quên lưu ý rằng hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao khi bình quân mỗi nhà 2-3 người, đồng nghĩa hơn 100.000 người bị ảnh hưởng (cha mẹ già, con cái).

Hai đứa trẻ ngủ lề đường khi mẹ làm công nhân bị mất việc làm, không có tiền trả tiền nhà, TP.HCM, tháng 11/2022. (Nguồn: Phan Xuân Trung/Facebook)

Nhóm người bị đào thải là lao động trên 35 tuổi, lao động bị tạm hoãn hợp đồng buộc phải tự nguyện chấm dứt hợp đồng. Hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu là hệ quả của nền kinh tế thâm dụng lao động và công nhân là đối tượng bị đào thải khi thị trường quốc tế biến động bởi dịch bệnh, chiến tranh, suy giảm kinh tế toàn cầu, khi doanh nghiệp trong nước đói vốn, cạn tiền do bị thắt chặt tín dụng.

Khi làn sóng sa thải kéo dài suốt 2 tháng cuối năm, dự báo tăm tối hết nửa đầu năm 2023, cuối tháng 12 này, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đề xuất hỗ trợ một lần cho người mất việc mức 3 triệu đồng/người, và 2 triệu đồng/người cho người bị tạm chấm dứt hợp đồng. Đề xuất đang dừng ở mức “nghiên cứu”.

Trong bối cảnh này, đề xuất rút BHXH một lần chỉ được nhận 8% (thay vì 22% như trước) tạm im ắng trên mặt báo. Phần 14% cắt lại được Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải là của doanh nghiệp đóng, được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ cũng tức là phần chi của xã hội khi tiêu thụ sản phẩm, nên nghĩa là xã hội đóng phần này – do đó, con số 14% này để lại quỹ, để “chia sẻ” cho xã hội.

“Con rất buồn vì không cứu được em của mình”

Câu nói của Mùa Chí Mùa – cậu bé sống sót trong trận lũ ống ập về huyện biên giới Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đêm ngày 1, rạng sáng 2/10 được trích đưa trong video “Nhìn lại 2022” phát trên Đài truyền hình quốc gia VTV ngày 28/12.

Mùa Chí Mùa khi nhớ lại về em gái của mình. (Ảnh chụp màn hình/VTV)

Đêm đó, mưa xối xả, gió rít từng cơn. Người mẹ lo lũ kéo về, dọn đồ để di tản nên đưa con gái 4 tháng tuổi cho cháu trai là Mùa bế.


“Con đang ôm em ngồi ở hành lang nhà thì bất ngờ bị lũ cuốn. Lũ cuốn được một đoạn thì một cành cây lớn đập vào bụng, đau quá, con thả em bé ra. Nước đến bắp chân con nhưng chảy rất mạnh, cuốn con trôi xa”.


“Con bị nước cuốn trôi gặp cây đu đủ, con bám vào. Mệt quá con thả tay để dòng nước cuốn đi”. (trích Việt Nam Net, ngày 5/10/2022)

Mùa được cứu cách thềm nhà nơi bị cuốn đi khoảng 80m khi đang cố bám vào hàng rào mắt cáo. Lúc này, Mùa gần như kiệt sức, nói không nên lời.


“Con rất buồn vì không cứu được em của mình” – bé gái 4 tháng tuổi – em họ của Mùa, vài tiếng sau được tìm thấy trong ao nước của nhà dân gần đó.


Thiên tai 2022 không dồn dập, ám ảnh như mưa lũ 2020 gây ngập kỷ lục suốt dải miền Trung, kinh hoàng như sạt lở tại Rào Trăng, Trạm Kiểm lâm 67 , nhưng bất thường và đau lòng. 175 người chết, mất tích; khoảng 19.453 tỷ đồng tổn thất kinh tế, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Nỗi ám ảnh mưa lũ khiến “Noru” trở thành từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều thứ 2 trong năm.

“Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu”

Bên câu nói day dứt của cậu bé Mùa Chí Mùa, phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam không thể nghèo, không cần quá giàu – vào chiều 6/12 trong cuộc họp về quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030 – càng trở nên khó hiểu.

Theo lời ông Đam, các chuyên gia rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật.


“Các chuyên gia nói với tôi rằng, tôi đến từ các nước phát triển nhưng nếu bây giờ được ước quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này.


Họ nói một câu mà tôi thấy rất hay là có nhất thiết phải đi một chiếc xe Lexus? Không thể đi xe đạp, không đi xe gắn máy vì khi trời mưa sẽ ướt nhưng có thể đi xe Toyota thì còn hơn đi xe Lexus mà sống quá nhanh và tàn phá tất cả”.

Những so sánh bị xem là tối nghĩa, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Đám đông trên đường lội trong nước đen ngập chân người, trên đường phố TP.HCM, tháng 10/2016. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Tuy nhiên, với tuổi chính khách của mình, ông Đam đủ sức hiểu tình hình đất nước ra sao, khi trước khi đưa ra phát ngôn đó, ông Đam thừa nhận tỷ lệ 260 sinh viên đại học trên 1 vạn dân là thấp so với thế giới; thế giới có 1 bác sĩ thì có 3 – 4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 nên phải có người vào chăm, dẫn đến lây nhiễm chéo; ở Nhật, 1 bác sĩ có tới 9 điều dưỡng.


“Nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo” – ông Đam nói, và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.

Tuy nhiên, nêu ra rồi, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: Việt Nam có nên phát triển giống như một số nước hiện nay như Mỹ, Nhật? Như ở Nhật, một ngày sống 3 tiếng trên tàu điện, không muốn lấy vợ… Mỹ cũng vậy.

Phải chăng mặt trái về tinh thần trong xã hội công nghiệp như Mỹ, Nhật, đang được đưa ra để người Việt tự hào, vì Việt Nam chưa phát triển tới mức gây nên những mặt trái ấy? Vậy những khía cạnh văn minh của các quốc gia đó, vì sao không được nhắc tới? Còn đối với Việt Nam, việc người trẻ không được học tri thức, người bệnh bị thiếu thốn chăm sóc, với mệnh giá của mạng người – mệnh giá bảo hiểm y tế chỉ bằng 1/30 của nước người ta – phải chăng là điều tự hào?

Sự suy yếu về thể chất, thiếu thốn về tri thức sẽ dẫn tới sự yếu nhược về tinh thần, khiến cho những ý tưởng về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, quyền riêng tư… trở thành điều gì đó gây hoài nghi, là nằm ngoài cuộc sống. Khát cầu có một đời sống phẩm hạnh với đầy đủ đạo đức và niềm tin tín ngưỡng lại càng trở nên xa vời, trong một xã hội cuồng loạn và nghèo khó biến tiền tài, quyền lực thành luân lý, trong khi nhóm bất minh còn lại bị hút vào vòng xoáy tệ đoan, phẫn nộ hay bế tắc, bơ vơ tìm lối về.


Nguyễn Xuân

Năm 2022: Nhìn lại 8 sự kiện Kinh tế Việt Nam nổi bật Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều thách thức. Mời quý độc giả nhìn lại 8 sự kiện Kinh tế nổi bật cùng Trí Thức VN.

Chia sẻ Facebook