“Viên ngọc” Po Mỷ trên cao nguyên đá
Đặt tên "Po Mỷ" (hay Pó Mỷ), cô gái dân tộc Cờ Lao mong ước đưa hợp tác xã (HTX) trở thành "viên ngọc sáng" trên cao nguyên đá, làm nông nghiệp sạch, giúp nông dân tiêu thụ được nông sản địa phương.
"100% việc bán hàng ở HTX chuyển sang trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng số. Chúng tôi ứng dụng công nghệ để họp trực tuyến, kết nối thành viên HTX, nông dân" - chị Lưu Thị Hòa (30 tuổi), giám đốc HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, chia sẻ.
Trong căn phòng ở Hà Nội, cô gái dân tộc Cờ Lao ấy trao đổi công việc qua Internet, kiểm tra chất lượng quả lê đang vào vụ chín rộ trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Chỉ cần 5 - 10 phút!
Năm 2018, HTX Po Mỷ bắt đầu hoạt động với mục tiêu kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con vùng cao nguyên đá. Ở nơi địa đầu Tổ quốc, khó khăn vất vả nhất chính là đi lại vì địa bàn xa xôi cách trở, có những vùng nguyên liệu ở bản sâu, cách 40, 50km đường núi. Thời điểm bùng dịch COVID-19, du lịch vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, Po Mỷ cùng chung số phận.
Chị Hòa luôn tự hỏi "Làm thế nào để bán được hàng khi không có nhiều du khách như trước kia?". Po Mỷ phải ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, không còn cách nào khác. Qua hướng dẫn của cô gái Cờ Lao, bà con dân bản biết dùng điện thoại thông minh, kết nối các ứng dụng để trao đổi công việc, bán hàng nông sản.
"Trước kia phải đi mất một vài ngày mới tới, nay nhờ ứng dụng công nghệ số, chỉ cần 5 - 10 phút đã có thể kết nối với người dân ở vùng nguyên liệu. Rồi tập huấn cho bà con nông dân cũng trực tuyến luôn, tôi tiết kiệm được thời gian và bao quát, điều phối công việc hiệu quả hơn" - chị Hòa cho biết.
Mấy năm qua, Po Mỷ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, trong đó thế mạnh là mật ong bạc hà, lê, sâm khoai. Hiện quả lê đang vào vụ chín rộ, dù ở cách xa Đồng Văn hơn 300km nhưng nhờ ứng dụng công nghệ số, mọi việc chị Hòa đều vận hành trơn tru. Từ khâu đưa lê ở vùng nguyên liệu về điểm tập kết, rồi vận chuyển về HTX, tất cả vận hành qua kênh trực tuyến.
"Quả lê đặc sản vùng cao nguyên đá rất ngon, nguồn cung không đủ, số lượng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh sâm khoai cũng rất được thị trường ưa chuộng" - chị Hòa nói.
Mở rộng thị trường giúp tiêu thụ được nhiều nông sản cho bà con. Điều tôi mong nhất chính là kết nối cộng đồng khởi nghiệp để cùng nhau đi xa hơn, góp sức thay đổi cho sự phát triển của địa phương.
_ LƯU THỊ HÒA _
Chuẩn hóa chất lượng, mở rộng tiêu thụ
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp trên đất cao nguyên đá, chị Hòa bảo gặp rất nhiều khó khăn. Bà con quen "buôn thúng bán mẹt", mỗi ngày được chục mớ rau, ít hoa quả.
Sau nhiều lần "giải cứu nông sản" ở địa phương, chị nhận ra các mặt hàng còn thô sơ, chưa được đầu tư, khó giải được bài toán nông nghiệp bền vững. Phần khoảng cách địa lý xa xôi cũng thêm rào cản cho sản xuất nông nghiệp ở nơi địa đầu Tổ quốc này.
Sao mình không lập HTX tiêu thụ nông sản cho bà con? Nghĩ là làm. Tốt nghiệp đại học, chị Hòa về quê với ước mong mài "viên ngọc sáng" trên cao nguyên đá. Chị bắt tay phát triển các sản phẩm nông sản từ nguồn nguyên liệu, tài nguyên bản địa, đồng thời chuẩn hóa chất lượng, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Ban đầu chỉ vài hộ dân chịu vào HTX, nhưng về sau Po Mỷ kết nối và hơn 30 hộ tham gia. Nhưng ấy là hành trình gian nan. May mắn, cha mẹ cũng có chút uy tín nên thuyết phục được người dân, cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên dần tạo được uy tín trong bà con.
Trước đó, chị Hòa để dành được 300 triệu đồng "lận lưng" nhưng từ ngày khởi nghiệp, càng mở rộng sản xuất lại càng "về âm". Khó khăn là thế nhưng đam mê khởi nghiệp nơi miền cao nguyên đã giúp chị bền bỉ vượt mọi thử thách.
Chị Hòa đi nhiều nơi, tìm nhiều kênh phân phối sản phẩm, đến các hội chợ triển lãm, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con, rồi mở các nhóm bán hàng trên mạng xã hội, kênh online. Sau 5 năm, sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Hành trình ấy cho chị nhiều bài học thành công và cả bao lần thất bại. Nhờ vậy, chị thay đổi tư duy và cách thức làm nông nghiệp.
Chị Hòa vui mừng khoe: "Một doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy tiềm năng từ củ sâm khoai nên đã đặt hàng Po Mỷ xuất khẩu sản phẩm phở sâm làm từ sâm khoai với số lượng khoảng 150 tấn".
theo Hà Thanh
Tuổi Trẻ online