‘Viện Khổng Tử’: Con ngựa thành Tơ-roa ngụy trang thành văn hóa truyền thống Trung Quốc
Trong Đại Cách mạng Văn hóa những năm 1960, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần như đã phá hủy hoàn toàn nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc cổ đại. Tuy nhiên, với mong muốn đạt được sự hợp pháp hóa ở phương Tây để thâm nhập và truyền bá ý thức hệ của mình, trong vài năm gần đây, nó lại mượn văn hóa truyền thống để quảng bá những giá trị và trí tuệ cổ xưa, hòng tô vẽ nên một hình ảnh đẹp trong mắt phương Tây. Tuy vậy, đằng sau lớp mặt nạ đó, ẩn tàng những mưu đồ tham vọng và bạo lực.
Chính quyền Trung Quốc đã đào mộ gia quyến Khổng Tử khiến quần chúng phẫn nộ trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, nhưng đến nay, nó lại thành lập cái gọi là Viện Khổng Tử ở nhiều quốc gia trên thế giới để truyền bá “văn hóa Trung Quốc”. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu thực sự của các viện này.
Trong một điển tích văn học của thần thoại Hy Lạp, quân Tơ-roa đã tưởng rằng con ngựa gỗ là món quà ngoại giao của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Tuy nhiên, rất nhiều quân sỹ Hy Lạp đã phục sẵn trong bụng ngựa gỗ, chờ cho quân Tơ-roa ăn mừng no say mới xông ra chiếm thành. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng và hoàn toàn đánh bại kẻ địch.
Theo các nhà phê bình, các Viện Khổng Tử có chức năng hệt như một con ngựa thành Tơ-roa thực thụ đảm nhận thực thi một phần chính sách đối ngoại của chính quyền Trung Quốc. Các chương trình của Viện bao gồm biểu diễn võ thuật, triển lãm giới thiệu trang phục truyền thống và truyền thuyết cổ điển, giới thiệu “5.000 năm văn minh Trung Hoa”, trích dẫn lời dạy của Khổng Tử, dạy tiếng Trung giản thể và cung cấp học bổng để học tất cả những điều này ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những nguyên tắc nền tảng thiết yếu của văn hóa Trung Quốc cổ đại mà Khổng Tử đã truyền lại qua những lời dạy và triết lý của ông, chẳng hạn như kỷ luật về tinh thần, kính ngưỡng thần thánh hay các giá trị đạo đức cơ bản lại tuyệt không được đề cập tới, bởi vì chúng mâu thuẫn với học thuyết vô thần luận và lý luận cách mạng của ĐCSTQ.
Khổng Tử thực sự là ai?
Khổng Tử hay Khổng Phu Tử (551-479 TCN) là một triết gia và nhà giáo dục người Trung Quốc, được đánh giá là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Hệ thống giáo lý triết học của ông – Nho giáo, đã trở thành một phần lối sống và cơ cấu xã hội Trung Quốc.
Khổng Tử sinh sống trong thời kỳ cuối của triều đại nhà Chu. Vào thời đó, tính ích kỷ phát triển mạnh mẽ trong mỗi người, chỉ vì thỏa mãn lợi ích cá nhân mà việc gì cũng làm. Hậu quả là các quốc gia cạnh tranh gay gắt để tranh đoạt lợi ích và nhiều cuộc chiến đã nổ ra.
Trong bối cảnh phức tạp đó, Khổng Tử đã chỉ ra rằng “Nhân” (仁 – lòng nhân từ) phải là cơ sở của hành vi đạo đức, đồng thời cho rằng Đạo mới là mục đích cuối cùng của con người, dựa trên nền tảng của đức và luôn tuân theo các chuẩn mực đạo đức.
Khổng Tử cũng đề cao các giá trị gắn liền với chữ “Nhân” như nhân từ, nhân ái, nhân hậu, nhân đạo hay nhân nghĩa. Ông bày tỏ nguyện vọng áp dụng một lối ứng xử cao thượng trong đối nhân xử thế, từ đó cải thiện đạo đức xã hội, phát triển văn minh tinh thần của toàn xã hội và hướng con người về phía thiện lương.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò chu du liệt quốc để truyền bá các tư tưởng và tìm người ứng dụng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng, nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem Đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng. Nhưng Đạo của ông là Vương Đạo (đạo trị quốc), đi ngược ý đồ Bá Đạo (đạo chinh phạt) của các vua chư hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư hầu đều không dám dùng ông.
Khổng Tử trở về quê hương vào năm 60 tuổi và chuyên tâm vào sự nghiệp giáo dục. Vào thời điểm đó, thường dân không có cơ hội được học hành, vốn là đặc quyền dành riêng cho hoàng gia và quan lại. Khổng Tử là người thầy đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc cung cấp giáo dục tư thục cho dân chúng, dựa trên quan điểm “dạy theo năng khiếu mà phù hợp nhân tính”.
Ông truyền dạy các giá trị truyền thống cổ điển và “lục nghệ” (sáu môn tài nghệ), nhưng nhấn mạnh đạo đức mới là môn học quan trọng nhất. Ông dạy rằng “quân tử” là người có học thức và phẩm chất đạo đức tốt, coi trọng việc hoàn thiện bản thân.
Trong lời dạy của mình, Khổng Tử cũng nhấn mạnh đến sự thiêng liêng của Đạo và phúc phận khi có cơ duyên được nghe, biết và hiểu Đạo, đến nỗi người ta có thể sẵn sàng vứt bỏ xác phàm mà không còn gì hối tiếc.
Như trong một tác phẩm kinh điển của Nho giáo, “Luận Ngữ” , Khổng Tử đã khẳng định: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử” (tạm dịch: “Sáng được nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng” ) .
Trong những năm qua, các nguyên tắc chỉ đạo các mối quan hệ của con người do Khổng Tử lưu lại đã trở thành một trong những di sản được trân trọng nhất của Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến con người và văn hóa trong suốt 2500 năm, cho đến khi ĐCSTQ lên nắm quyền. Với luận điệu phản truyền thống và vô thần, chính quyền ĐCSTQ gần như đã phá hủy hoàn toàn di sản của hàng nghìn năm lịch sử, ấy thế mà ngày nay nó lại lợi dụng chính Nho giáo, rồi áp đặt lên một lối giải thích sai lệch mang nặng tính chủ quan nhằm đạt được những mục đích của nó.
ĐCSTQ đã phá hủy các giá trị truyền thống của Trung Quốc
Trong nền văn hóa 5.000 năm của người Trung Quốc, các vị Thần đã tạo ra một xã hội vô cùng phong phú bao hàm những tri thức về khoa học, y học, kiến trúc và triết học. Tam giáo của Trung Quốc là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, đã đặt nền móng cho một nền văn hóa truyền thống chú trọng tu dưỡng đạo đức. Tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc không chỉ cân bằng các mối quan hệ giữa con người với nhau mà còn nhắc nhở con người phải biết kính ngưỡng thần thánh.
Tuy nhiên, với sự ra đời của ĐCSTQ trong thế kỷ 20, di sản văn hóa thiêng liêng này đã không ngừng bị tấn công.
Kể từ khi thành lập, ĐCSTQ đã chống lại thế giới quan truyền thống của Trung Quốc, tìm cách thay thế văn hóa truyền thống hàng nghìn năm bằng hệ tư tưởng cách mạng của nó.
Trung tâm của hệ tư tưởng mà ĐCSTQ tôn sùng là thuyết vô thần luận và chủ nghĩa duy vật. Những đặc điểm cơ bản này ngụ ý rằng nó không thể dung thứ cho sự tồn tại của một nền văn hóa hay đức tin truyền thống nào.
ĐCSTQ bác bỏ niềm tin vào Thần và thiên quốc, cho rằng tôn giáo là “thuốc phiện tinh thần”. Nó đứng ở góc độ chủ nghĩa duy vật tuyệt đối để nhìn nhận con người và thế giới. ĐCSTQ tuyên bố rằng “lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại cho đến ngày nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp” , được vận hành trên nguyên tắc quyền lực chứ không phải bởi chân lý đạo đức. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc cơ bản của Nho giáo.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã thực hiện một loạt các chiến dịch bạo lực nhằm trực tiếp xóa bỏ tận gốc các nền tảng văn hóa cổ xưa của Trung Quốc.
Bằng cách này, ĐCSTQ đã thay thế các triết lý đạo đức và sự kính ngưỡng thần thánh của Trung Quốc cổ đại bằng một sự sùng bái thế tục do khủng bố hàng loạt và đấu tranh chính trị. ĐCSTQ phỉ báng tín ngưỡng thần thánh là “mê tín phong kiến”. Thay vào đó, nó áp đặt quần chúng phải coi nó là thần thánh, buộc họ phải tôn thờ và tuân phục nó như một “vị cứu tinh vĩ đại của nhân dân”.
Vào tháng 5 năm 1966, nhà độc tài của chính quyền Trung Quốc, Mao Trạch Đông, đã phát động cái mà ông ta gọi là “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản”. Trong 10 năm, ông ta đã khiến toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc rơi vào hỗn loạn chính trị và xã hội, và thông qua khủng bố, Mao đã khẳng định lại quyền kiểm soát của ĐCSTQ.
Trong cuộc “Cách mạng” đó, nền kinh tế đã bị tê liệt, hàng triệu sinh mệnh bị hủy hoại và Trung Quốc bị đẩy vào cuộc đổ máu phi nghĩa, đói kém và trì trệ lớn nhất trong lịch sử. Mục tiêu phá vỡ văn hóa truyền thống của nó đã đạt được, song ĐCSTQ không chịu dừng lại cho đến khi nó bao biện thành công rằng cuộc cách mạng mang lại những điều tích cực cho xã hội. Như The Guardian thuật lại, đây là cách mà các nhà chức trách của ĐCSTQ mô tả thời kỳ rùng rợn đó:
“Giống như mặt trời đỏ mọc ở đằng Đông, cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản vĩ đại chưa từng có đang chiếu rọi trái đất bằng những tia sáng rực rỡ”.
Trong suốt thập kỷ kinh hoàng đó, các trường học và đại học bị đóng cửa, nhà thờ, chùa chiền, thư viện, cửa hàng và nhà dân bị cướp bóc và phá hủy với mục đích xóa bỏ những gì là “phong kiến”.
Vì vậy, trong 10 năm đó, chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt gắt gao nhằm ngăn cản tín ngưỡng thần thánh, những lời dạy của các bậc hiền triết và các giá trị đạo đức đặc trưng trong lịch sử hơn 5.000 năm của Trung Hoa, kể cả những lời dạy của Khổng Tử.
Viện Khổng Tử – Con ngựa thành Tơ-roa của ĐCSTQ
Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản là chỉ cần thực hiện được mục đích của mình, nó sẽ không e dè gì mà thay đổi chính sách của mình. Vậy nên, vào đầu thế kỷ 21, hình ảnh của Khổng Tử lại được khôi phục và tích cực quảng bá. Đáng tiếc thay, ĐCSTQ chỉ đang lợi dụng hình ảnh đó mà thôi. Nó đã giải thích sai lệch và đứng ở góc độ vô thần để rao giảng những lời dạy của Khổng Tử, với những mục đích đáng nghi vấn, hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc mà Khổng Tử lưu lại.
Chương trình Viện Khổng Tử bắt đầu vào năm 2004. Các học viện hoạt động thông qua hợp tác với các trường đại học liên kết tại địa phương và các trường đại học trên toàn thế giới. Chương trình Lớp học Khổng Tử liên kết với các trường học cấp hai hoặc khu vực trường học để cung cấp giáo viên và tài liệu giảng dạy. Các viện này được tài trợ bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc và theo những nhà chỉ trích, chúng hoạt động như một cánh tay tuyên truyền của ĐCSTQ.
Để biện hộ cho việc thâm nhập phương Tây, ĐCSTQ đã giới thiệu các Viện Khổng Tử với chức năng truyền bá tiếng Quan thoại và văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhưng theo các cáo buộc , mục đích ẩn giấu phía sau của chính quyền Trung Quốc là tìm cách áp đặt một hệ thống tuyên truyền chính trị, kiểm duyệt sự thật và áp đặt một góc nhìn méo mó về hiện thực và những xung đột xã hội.
Như được công bố trong một báo cáo của tiểu ban điều tra của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Hoa Kỳ, các viện này được tài trợ và phần lớn được điều hành bởi Hán Biện, một tổ chức phi lợi nhuận tự xưng là phi chính phủ song thực ra được kiểm soát trực tiếp bởi ĐCSTQ.
Các viện và lớp học Khổng Tử bắt đầu chủ yếu ở các trường đại học với chương trình giáo dục toàn cầu. Trong những năm qua, chúng cũng đã được đưa vào các trường tiểu học và trung học trên khắp thế giới, điều này đã làm dấy lên quan ngại từ phía một số thành phần trong xã hội, chủ yếu là những người “bảo thủ” [trong thuật ngữ tiếng Anh], những người đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống và phản đối chủ nghĩa thực dân nhồi sọ, phản đối sự áp đặt của các tư tưởng vô thần.
Một báo cáo công bố vào năm 2019 của Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ thẳng thắn chỉ ra: “Các dịch vụ tình báo của Trung Quốc sẽ khai thác sự cởi mở của xã hội Mỹ, đặc biệt là của giới học thuật và cộng đồng khoa học…” , Fox News đưa tin.
Sự thâm nhập của Trung Quốc vào phương Tây
Giới bảo thủ và một số thành phần tiến bộ ở phương Tây cũng đồng ý rằng các Viện Khổng Tử không đơn thuần chỉ là trung tâm văn hóa cung cấp chương trình giảng dạy tiếng Hoa như lời quảng bá. Thay vào đó, chúng là một âm mưu then chốt trong “cuộc chiến tranh mềm” của Trung Quốc chống lại phương Tây, mà chủ yếu là Hoa Kỳ, và được thiết kế để giảng dạy những bài học chính trị có lợi cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Bằng cách này, chính quyền Trung Quốc đạt được sự thâm nhập kép vào phương Tây.
Một mặt, thông qua “quyền lực cứng”, nó phô trương một hình ảnh hùng mạnh và hiếu chiến trong việc tích lũy vũ khí và công nghệ, mà đi kèm là cuộc đàn áp tự do ngôn luận ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, cũng như việc nó tranh chấp Biển Đông và các vùng lãnh thổ khác. Những sự kiện này tuy đã để lại hình tượng quốc gia hùng mạnh như ĐCSTQ mong muốn song đồng thời cũng trở thành chứng cứ đanh thép cho những lời chỉ trích và lên án quốc tế nhằm cản trở ý đồ tiếp cận phương Tây của Trung Quốc.
Cũng vì lẽ đó, song song với “quyền lực cứng”, ĐCSTQ triển khai thêm “quyền lực mềm” thông qua các sáng kiến như Viện Khổng Tử, qua đó nó cố gắng thể hiện cho thế giới thấy một bức chân dung bình dị của chính quyền cộng sản bằng cách xuyên tạc lịch sử, mê hoặc quần chúng, ví dụ như ca ngợi Mao Trạch Đông là một anh hùng cách mạng hay tuyên bố rằng vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn hoàn toàn không xảy ra.
Giống như bất kỳ hệ tư tưởng độc tài nào, ĐCSTQ cố gắng áp đặt tư tưởng của nó lên đối tượng thanh niên và trẻ em bằng cách trá hình giáo dục, lợi dụng sự vô tư và ngây thơ của người trẻ. Đó là lý do mà ĐCSTQ đã chọn các trường đại học và trường học để thâm nhập vào xã hội phương Tây, nó cá rằng các thế hệ lãnh đạo phương Tây tiếp theo sẽ có một tầm nhìn méo mó mà ủng hộ chính quyền cộng sản.
Theo báo cáo của Quỹ Di sản, các Viện Khổng Tử đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, với tổng số hơn 9 triệu học sinh, sinh viên theo học tại 525 học viện ở 146 quốc gia và khu vực. Hơn 100 trong số các học viện này nằm ở Hoa Kỳ, bao gồm tại các trường đại học danh tiếng như Columbia và Stanford.
Lớp học Khổng Tử ở Hoa Kỳ cũng có mặt tại khoảng 500 trường tiểu học và trung học trên cả nước.
Các Viện Khổng Tử đối mặt với khiếu nại
Trong vài năm gần đây, một số quốc gia, hiệp hội và chính trị gia đã tố cáo những hành động thâm độc của chính quyền Trung Quốc thông qua các Viện Khổng Tử và do đó chính phủ của các quốc gia này đã ra lệnh đóng cửa hàng chục học viện như vậy, cho rằng chúng được điều hành bởi một bộ máy marketing của hệ tư tưởng cộng sản.
Ani News , một hãng thông tấn ở Ấn Độ, nơi các Viện Khổng Tử đã thâm nhập rất thành công, trích dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp, nêu chi tiết về “hành vi xấu xa” của ĐCSTQ trong vài năm qua nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu bằng cách thâm nhập vào các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, các phương tiện truyền thông, ngoại giao, kinh tế, chính trị, trí thức và tất nhiên là giáo dục nói chung.
Hiệp hội Quốc gia các học giả Hoa Kỳ (NAS) đã nhiều lần nêu quan ngại về sự xâm nhập của hệ tư tưởng cộng sản vào nền giáo dục Hoa Kỳ.
Theo Hiệp hội, các Viện Khổng Tử đã xâm phạm quyền tự do học thuật, bất chấp các tiêu chuẩn minh bạch của phương Tây và không phù hợp trong khuôn viên trường đại học. NAS tiếp tục kêu gọi tất cả các trường đại học đóng cửa các Viện Khổng Tử của họ.
Tương tự như vậy, tiểu ban điều tra của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo năm 2019 dài 92 trang chỉ trích các Viện Khổng Tử là “một phần trong chiến lược dài hơi và bành trướng hơn nữa của Trung Quốc” nhằm phát triển “quyền lực mềm” để “khuyến khích sự bằng lòng” trước các chính sách ngày càng phi đạo đức và hiếu chiến của Trung Quốc. Trong báo cáo này, họ đã trích dẫn một cuộc điều tra toàn diện của NAS, trong đó cáo buộc các trường hợp lạm dụng cụ thể bởi các viện này.
Cả hai báo cáo đều đưa ra bằng chứng thuyết phục chống lại các Viện Khổng Tử, bao gồm việc xem xét hàng chục nghìn trang tài liệu nội bộ, các cuộc phỏng vấn với nhân viên các trường đại học và học viện, phân tích về những khoản tài chính mà chính phủ Trung Quốc dành cho các trường đại học Hoa Kỳ để đổi lấy việc thành lập Viện Khổng Tử trong cơ sở giáo dục của họ.
Viện Khổng Tử không tôn trọng tự do học thuật
Theo nhiều báo cáo, hầu hết các thỏa thuận được ký kết giữa các cơ sở giáo dục địa phương và các trường đại học Trung Quốc đã bỏ qua quyền tự do học thuật được áp dụng ở hầu hết các nước phương Tây.
Có thể kể đến trường hợp của giảng viên Sonia Zhao, một công dân Trung Quốc, đồng thời là một học viên Pháp Luân Công hiện đang sinh sống tại Canada. Theo kênh truyền thông Canada National Post , Zhao có ý định giảng dạy tiếng Trung và đến công tác tại Viện Khổng Tử do Bắc Kinh điều hành sau khi ký một hợp đồng quy định rằng các học viên Pháp Luân Công không được phép đảm nhận công việc. Zhao lo lắng rằng nếu từ chối ký, cô sẽ bị loại và phải đối mặt với sự bức hại, giống như những gì đã xảy ra với mẹ cô. Vì vậy, cô đã quyết định giữ bí mật về tín ngưỡng của mình, hy vọng rằng một khi cô rời Trung Quốc đến Canada, môi trường sẽ tự do hơn.
Khác với suy nghĩ của cô, khi vào làm việc tại Viện Khổng Tử trong Đại học McMaster tỉnh bang Ontario, cô đã được đào tạo để chuyển hướng sự chú ý của sinh viên khi đụng chạm đến các chủ đề “cấm kỵ” như thảm sát Thiên An Môn, Tây Tạng, tự do ngôn luận ở Trung Quốc và nhiều chủ đề khác.
Sau đó, nhân viên người Hoa tại trường đại học này đã nói rõ với cô rằng họ coi Pháp Luân Công là “chất độc”. Sau một năm, Sonia Zhao đã từ chức và có lẽ cô đã trở thành người tố giác đầu tiên trên thế giới về vấn đề Viện Khổng Tử.
Cuối cùng, sau những lời tố cáo, Đại học McMaster đã đóng cửa Viện Khổng Tử và cắt đứt các mối quan hệ với chính quyền cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, các tổ chức khác cũng nối gót trước khi nhận được khiếu nại hay lệnh trừng phạt.
Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện cổ xưa của Phật gia, dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc bức hại tàn bạo nhắm vào 100 triệu người thực hành môn tu luyện này, cũng như gia đình, bạn bè và người quen của họ.
Cuộc đàn áp vô nhân đạo đã đốt các kinh sách của pháp môn, bắt bớ, giam cầm và tra tấn dã man hàng loạt học viên vô tội, tống họ vào các trại cải tạo lao động. Kinh hoàng hơn cả là việc mổ cướp nội tạng sống, mà chủ yếu là nội tạng của các học viên Pháp Luân Công vốn được cho là có sức khỏe tốt, để cung ứng cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ yêu cầu các Viện Khổng Tử đăng ký là “phái bộ nước ngoài”
Vào tháng 8 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khi đó do cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo lãnh đạo, đã chỉ ra Viện Khổng Tử của Hoa Kỳ (CIUS) là “phái bộ nước ngoài của Trung Quốc” (tương đương đại sứ quán tại nước ngoài).
Thông qua một tuyên bố , cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ ra, “Trong hơn bốn thập niên qua, Bắc Kinh đã được hưởng quyền tiếp cận tự do và cởi mở với xã hội Hoa Kỳ, nhưng lại từ chối cấp cơ hội tiếp cận tương tự cho người Mỹ và những người ngoại quốc khác ở Trung Quốc” .
“Ngoài ra, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lợi dụng sự cởi mở của Hoa Kỳ để thực hiện các nỗ lực tuyên truyền trên quy mô lớn và gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ” , tuyên bố cho biết thêm.
Đi cùng với động thái đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một đề xuất “thiết lập yêu cầu rằng các trường được chứng nhận bởi Chương trình trao đổi sinh viên phải tiết lộ các thỏa thuận của họ với các Viện và Lớp học Khổng Tử” .
Với những biện pháp cứng rắn này, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã nỗ lực để giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ có Viện Khổng Tử, được ĐCSTQ lợi dụng để tuyên truyền.
Cùng thời điểm đó, trên tài khoản Twitter của mình, ông Pompeo đã đăng:
“Hôm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức chỉ định Viện Khổng Tử tại Mỹ (CIUS) là phái bộ nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, để nhìn nhận CIUS theo đúng bản chất của nó: một thực thể nhằm thúc đẩy các chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng ác tính trên toàn cầu của Bắc Kinh đối với môi trường giáo dục ở mọi cấp độ ở Mỹ”.
Theo Wall Street Journa l, theo biện pháp này, các trung tâm nghiên cứu phải thông báo về đội ngũ nhân viên và các điều khoản hợp đồng, cho phép các quan chức Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về hoạt động của họ.
Bộ Ngoại giao lập luận rằng biện pháp này nhằm gây áp lực lên các giáo viên và quan chức trường học Hoa Kỳ để đánh giá nghiêm túc việc có nên cho phép tiếp tục triển khai các chương trình như vậy hay không.
Tuy nhiên, vào ngày 16 tháng 1 năm 2021, Tổng thống mới nhậm chức Joe Biden đã hủy bỏ sáng kiến của người tiền nhiệm mà không một lời giải thích với báo giới.
Việc đảo ngược đề xuất của Trump của tổng thống mới đã cho phép ĐCSTQ tiếp tục truyền bá cho sinh viên Mỹ và phô diễn một hình ảnh tích cực về chính quyền Trung Quốc, dù rằng phía sau là bắt bớ, tra tấn và giết chết chính công dân của mình.
Mặc dù biện pháp này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng rõ ràng nó đã khởi tác dụng nhất định vì số lượng các cơ sở giáo dục quyết định hủy bỏ hợp đồng với các Viện Khổng Tử tiếp tục tăng lên, cho thấy rằng họ đã thừa nhận sự thiếu minh bạch của mình.
Hơn nữa, kể từ khi có những đề xuất dưới thời Trump, nhiều chính trị gia và tổ chức ở Hoa Kỳ và các khu vực khác trên thế giới cũng đang thúc đẩy những điều luật tương tự, tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo về việc chính quyền cộng sản Trung Quốc đang cố gắng thâm nhập và biến đổi văn hóa phương Tây thành lợi thế của nó.
Tác giả: Andrés Vacca – The BL
Thanh Tâm biên dịch