Viễn Đông trong chiến lược năng lượng Nga
Diễn đàn năng lượng quốc tế "Dầu mỏ và khí đốt Sakhalin" đang diễn ra tại thành phố Nam Sakhalin, thuộc vùng Viễn Đông, Liên bang Nga từ ngày 28 đến ngày 30/9.
Hàng trăm nhà quản lý hàng đầu của các công ty dầu khí, nhà cung cấp, nhà phát triển công nghệ Nga và nước ngoài đã tham gia Diễn đàn năng lượng quốc tế " Dầu mỏ và khí đốt Sakhalin".
Trọng tâm của diễn đàn năm nay là sự phát triển của ngành dầu khí trước những hạn chế từ bên ngoài, thay thế nhập khẩu, nền kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
" Viễn Đông - bàn đạp cho sự phát triển năng lượng Nga trong thực tế mới" là một trong những phiên họp quan trọng nhất của Diễn đàn "Dầu mỏ và khí đốt Sakhalin" năm nay. Các nhà quản lý và doanh nghiệp thảo luận về việc hình thành chiến lược năng lượng mới của Nga, bao gồm các biện pháp lập pháp và các công cụ tài chính để hỗ trợ các dự án dầu khí ở Sakhalin và vùng Viễn Đông của Nga.
Tháng 6/2020, Chính phủ Nga đã thông qua Chiến lược năng lượng quốc gia đến năm 2035, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, xác định trọng tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Á, giảm thiểu phát thải và phát triển năng lượng tái tạo.
Với tình hình hiện tại, sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, hậu cần, điều kiện tài chính đặt ra bài toán tìm kiếm những phương thức mới để thực hiện những nhiệm vụ của Chiến lược Năng lượng. Đối với khu liên hợp dầu khí, đó là việc đẩy mạnh phát triển chế biến dầu khí và hóa dầu, mở rộng khí hóa và tiêu thụ khí ở thị trường trong nước, đẩy nhanh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng theo hướng châu Á, gia tăng năng lực sản xuất, vận chuyển và chế biến ở Bắc Cực và Viễn Đông.
Theo công bố mới đây của Cơ quan Liên bang về tài nguyên khoáng sản Nga, tính đến đầu năm nay, trữ lượng dầu mỏ ở Nga đủ cho 39 năm khai thác, và trữ lượng khí đốt là 62 năm, nếu tính theo công nghệ khai thác và sản lượng hiện tại.
Theo Bộ Năng lượng Nga, Chiến lược Năng lượng mới của Nga đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ sớm được công bố, trong đó vai trò chính trong lĩnh vực năng lượng của đất nước sẽ được giao cho vùng Viễn Đông.
Nga sẵn sàng cung cấp khí qua Dòng chảy phương Bắc 2 và cả Dòng chảy phương Bắc 1, nhưng phụ thuộc vào thiện chí của châu Âu.