Viêm gan B, C tiến triển thành ung thư gan sau 20-30 năm, nhiều người điều trị khi đã muộn
Thông thường từ khi nhiễm viêm gan B, C đến khi hình thành ung thư là 20-30 năm. Thế nhưng, chỉ 10% người bệnh chẩn đoán ung thư gan giai đoạn sớm, còn lại vào giai đoạn muộn, lúc này điều trị khó khăn và chi phí điều trị lớn.
Đây là thông tin TS.BS Đỗ Anh Tú, phó giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ bên lề chương trình "Quản lý ung thư gan - Live longer" tại Việt Nam 2022-2023 do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-5 tại Hà Nội.
Theo Globocan (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới), năm 2020, tỉ lệ mắc mới ung thư gan là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới.
Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư. Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Theo bác sĩ Tú, ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan B rất cao, lên tới 15-20% dân số, khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan do tiến triển từ viêm gan B và khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan do nhiễm viêm gan C.
Các triệu chứng lâm sàng sớm nhất của ung thư gan thường không điển hình và dễ bị bỏ qua. Ở giai đoạn sớm của ung thư gan, người bệnh có thể gặp các triệu chứng chán ăn; đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt,…
Khi các tế bào ung thư lan rộng đến một mức độ nhất định, các đặc điểm bất thường mới rõ ràng hơn như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, bụng trướng, nước tiểu sẫm màu, vàng da, sụt cân không rõ nguyên nhân...
"Ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì nhận thức của người dân và thói quen không thường đi khám sức khỏe định kỳ. Phần lớn người bệnh đến khám và phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị rất tốn kém mà ít hiệu quả. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì điều trị đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều", bác sĩ Tú nói.
Phòng tránh ung thư gan như thế nào?
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng là những bệnh không lây nhiễm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây cũng là những bệnh được ưu tiên đưa vào Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 vì gánh nặng bệnh tật lớn với tỉ lệ người mắc và tử vong cao.
Bác sĩ Tú cho biết: "Khi bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn, sau khi điều trị chỉ kéo dài thời gian sống thêm từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo để giảm tỉ lệ mắc và tử vong do căn bệnh này, cần làm tốt công tác dự phòng.
Tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B và C, hạn chế sử dụng rượu bia, có các luật hạn chế uống rượu bia. Duy trì lối sống vận động lành lạnh, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.
Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Với những người có nguy cơ cao như hay sử dụng rượu bia, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi..., càng nên đi tầm soát sớm hơn 6 tháng/lần bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa".
Không ăn các loại thức ăn có nhiều chất béo, đường và muối, hãy tránh xa nhiều loại thức ăn chiên rán, không ăn hàu và nghêu chưa nấu chín, hãy uống nhiều nước... để tốt cho gan của bạn.