Việc làm ở Nga bắt đầu bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 01:21:25

Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề và ngày càng bị phương Tây cô lập, Nga đã phải nỗ lực giữ cho các nhà máy cũng như doanh nghiệp hoạt động và ngăn chặn nền kinh tế quay lại thời kỳ Liên Xô cũ.

Nhà hàng McDonald's tại thủ đô Matxcơva đã đóng cửa sau khi bán lại cho nhà kinh doanh Nga - Ảnh: AFP


Trong cuộc họp khẩn ngày 26-5, Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp, từ mức 14% giảm xuống còn 11%, nhằm tìm cách thúc đẩy nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina khi đó cảnh báo những tháng tới sẽ "khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân" vì nền kinh tế nước này đang suy thoái.


Theo báo New York Times , những thiệt hại kinh tế đối với Nga, mặc dù khó định lượng, đã lan rộng khắp nơi, từ các công ty lớn nhất đến các cửa hàng nhỏ và công nhân của nước này.

Các mặt hàng cơ bản đang dần thiếu hụt. Giá hàng hóa tiêu dùng đã tăng vọt, tỉ lệ lạm phát tăng lên 17,8% vào tháng trước.

Nguồn thu từ lĩnh vực năng lượng mặc dù vẫn ở mức cao nhưng được dự báo sẽ giảm, do khách hàng châu Âu bắt đầu quay lưng lại với dầu của Nga.

Theo Hãng tin AFP, ngày 27-5, hãng sản xuất xe tải Kamaz của Nga thông báo giảm giờ làm của khoảng 5.500 nhân viên do tình trạng thiếu phụ tùng, xuất phát từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vào đầu tháng 4, phần lớn trong số 40.000 lực lượng lao động tại nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Nga AvtoVAZ đã phải nghỉ việc tạm thời và nhận 2/3 mức lương bình thường. Tình hình được cho là sẽ kéo dài đến ít nhất là ngày 6-6.

AvtoVAZ là nhà sản xuất thương hiệu xe hơi nội địa Lada và thuộc sở hữu của hãng sản xuất ôtô Pháp Renault. Cũng như nhiều công ty phương Tây khác, Renault quyết định rút khỏi Nga bằng cách bán cổ phần trong AvtoVAZ cho nhà nước Nga.

"Những gì đang xảy ra là trải nghiệm khủng khiếp", ông Ivan Fedyakov, người điều hành Infoline, một công ty nghiên cứu thị trường ở Nga, cho biết. "Điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử hiện đại khi một quốc gia lớn và hội nhập sâu rộng như vậy lại đột ngột bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu".

"Triển vọng kinh tế Nga đặc biệt u ám", Ngân hàng Phần Lan cho biết trong một báo cáo công bố đầu tháng. "Bằng cách khơi mào một cuộc chiến chống lại Ukraine, Nga đã chọn trở nên nghèo hơn và ít ảnh hưởng hơn về mặt kinh tế".

Gần 1.000 công ty đã rời khỏi Nga, bao gồm Nike, Reebok, Starbucks và gần nhất là McDonald’s.

Các ngả nhập khẩu nguyên liệu cho các sản phẩm như ôtô đã bị các nước châu Âu chặn. DHL, UPS và FedEx từ chối giao hàng ở Nga trong nhiều tháng nay.

Các công ty công nghệ như Adobe và Oracle đã tạm ngừng hoạt động và có nhiều lo ngại rằng Nga có thể sớm hết dung lượng lưu trữ dữ liệu.

Nino, một nhà thiết kế đồ trang sức ở Matxcơva, cho biết loại đất sét mà cô dùng đã biến mất khỏi thị trường vì nó được sản xuất ở Đức và ở vùng Donbass của Ukraine. Theo Nino, giá đất sét đã tăng từ 30% đến 60%.

"Đồ trang sức của tôi được sản xuất bởi một công ty của Nga. Họ cũng đang bị thiếu nguyên liệu", Nino cho biết. "Vấn đề logistics đang gặp khó khăn. Hoặc chúng tôi không có những gì chúng tôi cần hoặc nó đắt hơn đáng kể".

Lúc này nền kinh tế Nga vẫn còn chỗ dựa, ít nhất là tạm thời, là xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Liên minh châu Âu chưa thể thống nhất cấm vận dầu mỏ Nga nhưng doanh thu của nước Nga được dự báo sẽ giảm dần theo thời gian khi các quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc.

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ không gia hạn miễn trừ trừng phạt từ sau ngày 25-5 đối với việc thanh toán nợ nhà nước của Liên bang Nga đã đặt Matxcơva trước nguy cơ một vụ 'vỡ nợ kỹ thuật'.

Chia sẻ Facebook