Việc hệ thống hoá lại nguồn nhân lực CNTT có ý nghĩa thiết thực với đội mới sáng tạo

Chia sẻ Facebook
23/06/2023 11:41:41

Tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2023 do ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 23/6, vấn đề được các diễn giả khẳng định là phải hệ thống hoá lại nguồn nhân lực CNTT.

PGS TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Diễn đàn
PGS TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá cho sự phát triển của khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), đổi mới sáng tạo không thể thiếu được các thành tựu về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dữ liệu lớn… Chính vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo nhằm đem lại cho thầy và trò những giá trị mới nhất.

Theo PGS TS Nguyễn Đắc Hưng – Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, trong CMCN 4.0 hiện nay thì các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo việc làm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ rất cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế tín dụng ưu đãi để có thể đầu tư phát triển.

TS Hoàng Nguyên Khai – giảng viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, công nghệ ngân hàng số và tiền kỹ thuật số chính là đổi mới sáng tạo lớn nhất của nhân loại trong thập niên hiện tại và đang làm thay đổi trên rất nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Xu hướng phát triển kinh tế số của thế giới đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Với sự phát triển như vũ bão về tiến bộ CNTT hiện nay, công nghệ số ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi về quản trị, điều hành, quản lý… mà còn liên quan trực tiếp đến các dịch vụ tài chính số. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu tìm hiểu đầy đủ nó để phục vụ cho đổi mới sáng tạo.

Theo TS Hoàng Quốc Phóng – Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới với nguồn nhân lực công nghệ cao nói chung và CNTT nói riêng. Vì thế, việc hệ thống hoá lại một số yêu cầu đối với nguồn nhân lực CNTT là vấn đề có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam mà trong đó có ý nghĩa rất quan trọng với đổi mới sáng tạo.

Thừa nhận việc đào tạo của các trường hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, TS Hoàng Quang Phóng cho rằng đội ngũ nhân lực CNTT phải có năng lực tự học và cần được trang bị kỹ năng tiếp cận kiến thức thực hành. Việc phân luồng nguồn lao động CNTT phải được thực hiện ngay trong nhà trường để phân nhóm sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, tổ chức… theo hướng chuyên sâu và tập trung.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam là hiện chỉ có 17,3% doanh nghiệp được coi là hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, CMCN 4.0 có thể đem đến nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh chóng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nếu có những định hướng ý tưởng tốt và khả thi.

TS Vũ Thị Mai Oanh – chuyên gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho rằng, để không chậm chân so với các nước phát triển thì kinh tế số và các ngành công nghiệp nền tảng của CMCN 4.0 phải là lựa chọn ưu tiên. Không nên chỉ là quyết tâm chính trị mà còn phải là sự nhập cuộc của toàn xã hội để ưu tiên nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Càng chậm chân trong việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống thì nguy cơ tụt hậu của Việt Nam sẽ càng lớn.

Để tăng cường vai trò của các trường đại học và cao đẳng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, TS Trần Thanh Xuyên và Lê Văn Trung công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cho rằng, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được xem là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hai phía. Các trường mạnh chính là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ cho doanh nghiệp. Để làm được việc đó thì chương trình đào tạo phải thường xuyên cập nhật, trong đó phải tăng cường các môn học về khởi sự kinh doanh.

Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, đổi mới sáng tạo sẽ phải đóng góp đến 95% cho mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị của đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân và 65% các đại học cùng viện nghiên cứu sẽ phải tham gia hoạt động này. Có thể nói, đổi mới sáng tạo thông qua khoa học công nghệ chính là chìa khoá để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và tài nguyên.

Kết luận về Diễn đàn, PGS TS Phạm Bảo Sơn một lần nữa khẳng định, đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho sự phát triển của tất cả các ngành khoa học công nghệ. Ông cũng bày tỏ mong muốn Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sẽ là sự kiện thường niên không chỉ của các nhà trường và viện nghiên cứu mà còn nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp vì đầu ra của sinh viên các trường đại học, cao đẳng chính là nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp mà trong đó không thể thiếu yếu tố đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ Facebook