Việc G7 áp giá trần dầu mỏ từ Nga liệu có hiệu quả?
Các nước G7 và Liên minh châu Âu mong muốn làm giảm nguồn thu của Nga, đồng thời vẫn duy trì ổn định nguồn cung dầu toàn cầu.
Từ thứ Hai tuần sau, Liên minh châu Âu chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng vẫn muốn cấm doanh nghiệp châu Âu tham gia vận chuyển hay bảo hiểm dầu thô từ Nga, nếu giá bán vượt quá mức trần mà các nước G7 và Liên minh châu Âu sẽ ấn định.
Mục đích của giá trần là đánh vào nguồn thu của nước Nga, đồng thời giữ giá dầu thô ở mức thấp. Ngay từ đầu, các nước G7 và Liên minh châu Âu đã xác định: biện pháp này, nếu thực hiện được sẽ chỉ làm suy yếu, chứ không thể đánh chìm nền kinh tế Nga.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng tôi muốn tạo tổn thất cho nước Nga để làm giảm năng lực quân sự của Nga tại Ukraine. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ sớm cùng với G7 và các đối tác lớn khác ấn định mức giá trần toàn cầu đối với dầu thô của Nga".
Ước tính, chi phí sản xuất một thùng dầu tại Nga khoảng 20 USD. G7 và Liên minh châu Âu muốn áp trần từ 65 đến 70 USD, một mức giá vừa đủ để Nga có lãi. Giá trần thấp sẽ gây tổn hại cho Nga nhiều hơn, nhưng giá trần thấp cũng gây thiệt hại cho những nước châu Âu cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu thô, bảo hiểm tàu dầu. Và nhất là giá quá thấp, lợi nhuận ít, sẽ làm cho nước Nga giảm xuất khẩu, dẫn tới giá dầu tăng trên thị trường thế giới. Mà giá dầu tăng sẽ tác động tức thì tới Liên minh châu Âu, vẫn luôn lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu.
Theo Giáo sư Gulshan Sachdeva - Viện nghiên cứu châu Âu: "Tại thời điểm này không thể biết chắc chắn giá trần sẽ tác động ra sao, nhưng có một điều rõ ràng là thị trường năng lượng đã có quá nhiều bất ổn, biện pháp này sẽ làm xáo trộn thêm lên, trong khi giá trần có thực sự tác động được đến Nga hay không thì không ai biết".
Áp đặt giá trần lên dầu mỏ Nga, các nước G7 và Liên minh châu Âu chơi con dao hai lưỡi. Từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, chưa có một loại hình trừng phạt cấm vận nào ngăn được nước Nga. Nếu trừng phạt bằng giá trần dầu thô cũng sẽ vô hiệu, thì các nước G7 và Liên minh châu Âu sẽ bị xem là không còn đủ sức nặng khống chế kinh tế toàn cầu.
Bài toán áp giá trần
Cuộc họp tuần trước của châu Âu về việc áp giá trần với dầu mỏ của Nga rơi vào bế tắc, cuộc họp tối thứ Hai vừa rồi cũng chưa đạt được thoả thuận.
Hiện nay các nước châu Âu đang thảo luận quanh mức giá trần 62 euro/thùng dầu Nga, nhưng vẫn chưa thống nhất được. Các nước châu Âu cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu thô và bảo hiểm tàu dầu, trước vẫn ủng hộ mức giá trần cao, đã phần nào thay đổi quan điểm, đồng ý với mức trần thấp hơn. Nhưng Ba lan và các nước Baltic, trước đây muốn áp mức trần thật thấp đối với dầu Nga thì nay vẫn không thay đổi quan điểm, bảo vệ quan điểm nếu mức trần quá cao thì biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả. Ba Lan và các nước Baltic cũng muốn lồng ghép biện pháp này vào gói trừng phạt thứ 9 mà Liên minh châu Âu đang chuẩn bị công bố nhằm đánh vào nguồn thu của Nga.
Nga tuyên bố sẽ không bán dầu thô cho những nước ủng hộ áp giá trần
Nước Nga tuyên bố sẽ không bán dầu cho những nước ủng hộ áp giá trần, nhưng phía châu Âu không quan tâm nhiều, vì đằng nào thì Liên minh châu Âu cũng sẽ hoàn toàn chấm dứt mua dầu thô của Nga kể từ ngày thứ Hai tuần sau. Đây là quyết định từ hồi cuối tháng Năm, và đến thứ Hai tuần sau có hiệu lực, tình cờ lại trùng với ngày mà G7 dự định áp giá trần. Trước đó một hôm, vào ngày Chủ nhật này, nhóm OPEC+ trong đó có Nga sẽ họp trực tuyến, bàn xem có nên tăng hay giảm sản lượng khai thác dầu thô hay không. Có rất nhiều dữ kiện sẽ tác động tới giá dầu thế giới trong những ngày sắp tới.
Việc chọn một mức giá trần sẽ là bài toán khó cho EU. Dù rằng các nhà ngoại giao châu Âu hy vọng có thể đi đến sự nhất trí chậm nhất cuối tuần này, trước khi cơ chế áp giá trần của G7 có hiệu lực.
Giới quan sát cảnh thì cảnh báo, động thái áp giá trần thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt nếu Nga trả đũa biện pháp trừng phạt mới này của châu Âu. Nếu Moscow cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến, giá xăng dầu thế giới sẽ tăng vọt, trong bối cảnh các nước như Mỹ, Nhật Bản và Đức đau đầu tìm cách kiểm soát lạm phát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới.