[VIDEO] Bí mật đen tối phía sau “kỷ lục thế giới” về bơi lội của Mao Trạch Đông
Truyền thông chính thức của Trung Quốc khi ấy tuyên bố, Mao đã bơi gần 15 km trong 65 phút mà “chẳng hề có dấu hiệu mệt mỏi”.
Năm 1966, Mao Trạch Đông đã lập “kỷ lục thế giới” chưa từng có về bơi lội trên sông Dương Tử. Ông già 73 tuổi dẫn đầu khoảng 5000 người tiền hô hậu ủng, lao xuống dòng sông lớn nhất Trung Quốc trong cuộc bơi lội hàng năm ở Vũ Hán.
15 km trong 65 phút, có nghĩa là người đàn ông ở cái tuổi gần đất xa trời đã bơi với tốc độ 3,8 mét/giây, vượt xa tốc độ 1,7 mét/giây của siêu kình ngư Trung Quốc Tôn Dương, người đã giành được Huy chương vàng Thế vận hội năm 2012.
Những người bảo vệ Mao giải thích rằng, khi đó Mao đã bơi xuôi dòng về phía hạ lưu, và dòng chảy mạnh của sông Dương Tử đã dẫn đến những con số thống kê siêu phàm.
Tuy vậy, với tốc độ dòng chảy khoảng 2 mét/giây của con sông, được đo đạc vào thời điểm lưu lượng lớn nhất vào tháng 7 hay tháng 8 hằng năm, Mao vẫn được cho là đã bơi với tốc độ trung bình 1,8 mét/giây: nhanh hơn kỷ lục thế giới 1500m của Nhà vô địch Thế vận hội 2012. Và Mao đã làm được điều này với quãng đường 15km: xa hơn gấp 10 lần so với Tôn Dương.
Mao Trạch Đông: 15 km/3.600 giây-2 mét/giây = 1.842 mét/giây
Tôn Dương (Sun Yang): 1.500 mét/14 phút 31,02 giây = 1,722 mét/giây
Truyền thông phương Tây và Đài Loan năm đó đã chế giễu câu chuyện tuyên truyền kệch cỡm này của Mao, trong khi báo chí Hồng Kông thì xem đó như một trò hề; nhưng di sản của câu chuyện này thì đã không hề hài hước.
Có người khi ấy thậm chí đã cảm thấy được rằng, nó dự báo một điềm gở. Thực tế thì đó không chỉ là một điềm gở, mà còn là một trong những vở kịch chính trị tồi tệ và gớm ghiếc nhất trong lịch sử nhân loại.
Mao rất yêu thích bơi lội, và có tiếng là bơi giỏi. Đã có thời, đi “đến bể bơi” trở thành một cách nói nổi tiếng của các quan chức Trung Quốc cho một cuộc hẹn với Mao ở Trung Nam Hải. Theo tiết lộ của sử học gia danh tiếng Ross Terrill, nhà độc tài Trung Quốc về sau thường thích bơi khỏa thân, thế nên các nhân viên nữ không được phép lại gần trong những cuộc gặp như vậy.
Khi còn nhỏ, Mao học bơi ở một cái ao trong khu đất của gia đình; và bài báo đầu tiên được xuất bản công khai của ông ta năm 1917 chính là về thể dục thể thao. Có thể nói, Mao khá bị ám ảnh bởi việc tập thể dục trong suốt cả cuộc đời.
Đến năm 1956, người thiết lập chế độ Trung Quốc cộng sản bắt đầu sử dụng bơi lội để phục vụ cho sân khấu chính trị của ông ta, chứ không còn chỉ là tập thể dục.
Năm đó, Mao đã bơi ở ba con sông: sông Châu Giang (gần Quảng Châu), sông Tương (tại Trường Sa) và sông Dương Tử (tại Vũ Hán). Bác sĩ riêng của Mao, ông Lý Chí Thỏa kể lại rằng, trong những lần bơi ở hạ lưu sông Châu Giang, dòng sông đã bị ô nhiễm rất nặng bởi cả chất thải công nghiệp xả ra từ các nhà máy tại Quảng Châu và chất thải của con người; nhưng Mao vẫn cứ lao xuống nước.
“Đúng như tôi đã lo lắng, thật là dơ bẩn. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những mảng chất thải của con người trôi qua. Nhưng sự ô nhiễm không làm Mao bận tâm. Ông ấy nằm ngửa, bụng to nhô lên như quả bóng tròn, hai chân thả lỏng, như thể đang nghỉ ngơi trên ghế sô pha vậy.”
Mao đã hoàn thành tất cả các cuộc bơi của mình ở Châu Giang, chẳng hề sợ ô nhiễm. Và còn nhiều hơn thế nữa. Lãnh tụ Trung Quốc được cho là đã bơi ở sông Dương Tử 11 lần trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1962; trong đó có 3 lần vượt sông, chỉ riêng trong năm 1956.
Và đó là khoảng thời gian của Điềm gở lần thứ nhất.
2 năm sau, năm 1958, Đại Nhảy Vọt bắt đầu.
“Mao đã nghĩ rằng ông ta có thể đưa đất nước của mình vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng cách tập hợp người dân trên khắp đất nước vào những công xã khổng lồ. Nhằm theo đuổi một thiên đường không tưởng, tất cả mọi thứ phải là sở hữu tập thể. Người ta bị lấy đi công việc, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế. Trong các bếp ăn tập thể, thức ăn được phân phối theo thìa dựa theo công tội; điều này đã trở thành một vũ khí để buộc người dân phải theo sát từng mệnh lệnh của Đảng.”
Động lực làm việc bị tiêu tan, thay vào đó cưỡng chế và bạo lực được sử dụng để bắt những nông dân đói khát phải lao động quần quật trong các lò luyện thép hay công trình thủy lợi quy hoạch kém, còn những cánh đồng lúa bao la thì rơi vào quên lãng.
Dẫu cho có những báo cáo liên tục về sản lượng đi xuống và nạn đói lan rộng, khiến hàng triệu người chết dần vì đói, Mao vẫn kiên quyết giữ hạn ngạch sản xuất ở mức cao.
Đến khi Đại Nhảy Vọt kết thúc vào năm 1962, ước tính đã có khoảng 23 – 55 triệu người Trung Quốc chết vì nạn đói lớn; vài triệu người cũng bị tra tấn đến chết hay bị hành hình trong cùng thời gian đó.
Thảm họa Đại Nhảy Vọt đã khiến uy tín và tầm ảnh hưởng của Mao suy yếu nặng nề. Tin đồn lần lượt xuất hiện về việc ông ta đang hấp hối hoặc đã chết từ lâu.
Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ bày tỏ nghi ngờ nghiêm trọng về các chính sách tả khuynh hỗn loạn của Mao. Nhưng rốt cuộc thì Mao đã từng là đại diện cho cuộc cách mạng cộng sản ở Trung Quốc. Vì vậy, ông ta đã được giữ lại để phục vụ như một bù nhìn, một người đứng đầu mang tính biểu tượng của Đảng, nhưng có rất ít quyền lực trên thực tế.
Năm 1965, Mao rời Bắc Kinh và rút lui vào trong bóng tối ở Hàng Châu, tìm đường trở lại Trung Nam Hải.
Đó là lúc con sông và Điềm gở lần thứ hai xuất hiện.
Mảnh đất Trung Hoa thêm một lần nữa oằn mình rên siết trong kiếp nạn mới còn thảm khốc hơn. Đại Nhảy Vọt tàn sát thể xác người dân Trung Quốc, nhưng Đại Cách Mạng Văn Hóa thì tàn sát linh hồn họ và cả linh hồn của 5000 năm văn minh Trung Hoa. Phá Tứ Cựu là hạo kiếp chưa từng có trong lịch sử loài người. Và cuộc bơi trên sông Dương Tử của Mao làm nhiệm vụ kéo màn cho vở kịch đẫm máu.
2 tháng trước khi bước xuống con sông tại Vũ Hán, Mao đã tuyên bố bắt đầu cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản của ông ta. Đây là chiến lược mà phe Mao dùng để giành lại quyền lực; bề ngoài là kêu gọi săn lùng và tiêu diệt “những kẻ theo chủ nghĩa tư bản đã lẻn vào Đảng” . Về thực chất là thanh trừng những kẻ chống Mao ra khỏi bộ máy quyền lực Bắc Kinh.
Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu đạt được động lực, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai có thể tự an ủi rằng Mao là một ông già ốm yếu đang ở xa thủ đô, ít có cơ hội tác động trực tiếp đến chính sách.
Nhưng trước sự thất vọng của họ, Mao đã sử dụng cuộc bơi lội ngày 16 tháng 7 năm 1966 để phá bỏ tin đồn về sức khỏe suy yếu của mình.
Lần này Mao chuẩn bị rất kỹ, với một đám đông bơi theo và áp phích khổng lồ của chính ông ta. 6 vệ sĩ được bố trí tháp tùng Mao trên đường bơi. Mao cũng sắp đặt một nhiếp ảnh gia cá nhân ghi lại các hình ảnh để tuyên truyền. Người này đã chụp được bức hình nổi tiếng về nhà độc tài nhô đầu trên mặt sông.
Và một bức ảnh nữa, cho thấy Mao vẫy tay với những người bơi khác. Hình ảnh cây cầu bắc qua sông Dương Tử tại Vũ Hán được lựa chọn có chủ đích xuất hiện ở phía sau Mao, làm bằng chứng cho cuộc bơi của ông ta tại con sông này.
Các cơ quan tuyên truyền của nhà nước, được huấn luyện cẩn thận và là một phần trọng yếu trong bộ máy quyền lực của Mao, đã sản xuất hàng loạt tin tức trên khắp Trung Quốc và thế giới, truyền cảm hứng cho một loạt áp phích nghệ thuật tuyên truyền kiểu cổ điển và thậm chí là một bộ phim được phát hành vào tháng 8 năm 1966 … nhằm tán dương khả năng bơi lội phi thường của Mao. Tờ Nhân Dân Nhật Báo viết rằng, “nước sông như mỉm cười vào ngày hôm đó”; và chủ tịch Mao đã bơi được 15 km, tức gần 9 dặm, trong vòng hơn một giờ.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông khi ấy đã đăng bài bình luận có tiêu đề: “Mao Trạch Đông sẽ tham dự Thế vận hội chăng?” của Judy Joy Davies, vận động viên bơi lội từng đoạt giải Empire Games, chế giễu sâu cay câu chuyện tuyên truyền kệch cỡm này của Mao.
Davies lưu ý rằng, cuộc bơi của Mao ở sông Dương Tử không chỉ đạt tốc độ kỷ lục kinh hoàng, mà Mao thậm chí còn có thời gian “nằm ngửa nhìn bầu trời xanh không một gợn mây”. Và vì Mao rõ ràng đã bơi một dặm chỉ trong khoảng tám phút, trong khi kỷ lục thế giới là gần 20 phút, nên “ thế giới đã bỏ lỡ một vận động viên bơi lội vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Nhưng dù vở kịch có nực cười thế nào, Mao đã đạt được điều ông ta muốn.
Hiệu ứng của cuộc bơi trên sông Dương Tử đã phát triển sự sùng bái cá nhân cuồng nhiệt của người dân Trung Quốc dành cho lãnh tụ. Hình ảnh bơi trên con sông lớn nhất Trung Quốc giống như một lời tuyên chiến của Mao gửi tới các địch thủ chính trị rằng, một người đàn ông mạnh mẽ đã sẵn sàng tiến về Bắc Kinh.
Mao đã dùng hình ảnh này để tự tái sinh trong con mắt quốc gia, và một lần nữa trở lại là Người cầm lái vĩ đại, sẵn sàng dẫn dắt đất nước Trung Hoa đến với vận mệnh cách mạng thực sự của nó.
Theo vốn từ vựng chính trị của Mao, đó là lúc phải chống chọi với “sóng to gió lớn”; và khi nhà độc tài trở về Bắc Kinh hai ngày sau đó, ông ta bắt đầu thanh trừng những đối thủ như Lưu Thiếu Kỳ. Cuộc cách mạng cuối cùng của Mao đã đạt được đầy đủ động lực.
Vào cuối tháng 8, Mao bắt đầu tổ chức các cuộc mít-tinh chính trị với hàng triệu người ủng hộ tại Quảng trường Thiên An Môn. Thế là ông già ở Hàng Châu đã trở lại nắm quyền, và ông ta cùng những người ủng hộ đã sử dụng quyền lực đó một cách liều lĩnh và tàn nhẫn trong suốt một thập kỷ mưa máu gió tanh sau đó. Hơn 1 triệu người chết; và văn hóa truyền thống một thời huy hoàng của mảnh đất Trung Hoa 5000 năm bị tàn diệt vĩnh viễn.
Mao đã chuyển nơi ở chính thức của mình đến tòa nhà tại Trung Nam Hải, nơi có bể bơi trong nhà. Mao đã bơi ở đó hầu như hàng ngày suốt thời gian diễn ra Cách mạng Văn hóa. Cho đến khi qua đời vào tháng 9 năm 1976, ông ta không bao giờ lội xuống sông Dương Tử nữa.
Đến hiện tại, di sản từ cuộc bơi năm nào của Mao vẫn còn tiếp diễn ở Trung Quốc. Đối với người dân, đôi khi đó chỉ là một cuộc vui vô tư lự.
Còn với các nhà lãnh đạo kế tục Mao, từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, việc sử dụng bơi lội để thể hiện sức mạnh và khí chất vẫn được tiếp tục, nhưng với mức độ thành công khác nhau.
Trong đó, người kế nhiệm Đặng là Giang Trạch Dân, đã chẳng đạt được bất cứ điều gì giống như một hình tượng kiểu Mao. Mặc dù cả Giang và Mao đều có chữ Trạch (澤), nghĩa là “đầm lầy” trong tên và đều thể hiện mức độ yêu thích nước giống nhau.
“Tắm trắng và đỏ rực. Đội mũ tắm trùm đầu và mặc một chiếc quần bơi màu xanh dương, kéo cao quá rốn, nhà lãnh đạo thế giới trông như một con cú lạch bạch bước xuống vùng biển xinh đẹp của Thái Bình Dương vào chiều Chủ nhật. Ông ấy đã bơi. Và bơi. Và bơi.”
Theo South China Morning Post, một nhà bình luận người Trung Quốc thẳng thắn hơn thì nhận xét rằng, họ Giang khi ấy nhìn trông giống như một “con cóc chết trôi trên mặt nước”.
Phong Vân (t/h)
Tản mạn chuyện ĐCSTQ "photoshop" những tranh ảnh lịch sử Vì sao ĐCSTQ lại muốn chỉnh sửa ảnh hay tranh của các chính trị gia trong quá khứ?