Video 15 giây của TikTok lan truyền tin giả về bệnh tật

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 23:26:09

Các nền tảng mạng xã hội ngày nay chưa có biện pháp chặt chẽ để kiểm soát nội dung. Điều này tạo ra 'mảnh đất màu mỡ' cho những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng về sức khỏe.

“Tôi dám cá là bạn biết ít nhất một cô gái sử dụng steroid hàng ngày. 1/3 nữ giới ngày nay đang dùng thuốc tránh thai. Nó thực sự là một chất tương tự của nandrolone, có khả năng phục hồi cơ bắp”, một thanh niên nhìn chằm chằm vào máy ảnh và nói trong video đăng trên TikTok.

Sau đó, khuôn mặt khác nhanh chóng chen vào màn hình. Người này mặc áo blouse trắng, tên là Mustafa Dhahir, dược sĩ và sinh viên y khoa tại Australia.

Anh cắt ngang đoạn clip bằng lời bình luận: “Một trong những điều khó chịu nhất khi phát tán thông tin sai lệch là họ sử dụng gợi ý từ thực tế để truyền bá cho lời nói dối của mình"

Dhahir giải thích steroid là gì và đưa ra lý do cặn kẽ tại sao đoạn video gốc - tuyên bố biện pháp tránh thai bằng đường uống gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm cả những thay đổi về hấp dẫn tình dục - là không chính xác.

“Gã này chỉ đơn giản là sử dụng chiến thuật hù dọa. Có rất nhiều lựa chọn kiểm soát sinh sản với các tác dụng phụ khác nhau”, Dhahir nói với người xem.

Người dùng đứng trước nguy cơ tiềm ẩn nếu tin mù quáng vào các nội dung nhan nhản trên mạng. Ảnh: Rappler.

Dhahir là thành viên của nhóm bao gồm nhiều nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia, học giả, những người cố gắng gỡ bỏ thông tin sai lệch về sức khỏe trên TikTok bằng cách cắt ghép các video hiện có và đưa thêm ý kiến cá nhân.

Các nền tảng truyền thông xã hội ngày nay đã phát triển hệ thống gắn cờ tin giả, thiếu kiểm chứng về vaccine nhưng lại không kiểm tra kỹ lưỡng những tuyên bố đáng ngờ về sức khỏe, theo New York Times.


Thiếu kiến thức y tế

Dhahir bắt đầu làm video phản bác những clip sai sự thật trên mạng từ khi đại dịch bùng phát.

Hiện kênh của anh có hàng triệu người theo dõi. Trong số đó, video bác bỏ những tin đồn về biện pháp tránh thai khiến phụ nữ vô sinh, thuốc "tự nhiên" mới có thể tin cậy và tylenol có liên quan đến chứng tự kỷ thu hút được nhiều lượt xem.

Tuy nhiên, số lượng những influencer (người có ảnh hưởng) thiếu hiểu biết lại nhiều hơn so với nỗ lực của các chuyên gia y tế. Công việc này khiến họ thường xuyên bị kiệt sức và quấy rối.

Idrees Mughal, bác sĩ người Anh nghiên cứu dinh dưỡng, chuyên vạch trần những chế độ ăn kiêng lỗi thời, lầm tưởng tai hại về rau quả và thành phần thực phẩm gây ung thư.

Thông tin sai lệch phổ biến đến mức bác sĩ Mughal được gắn thẻ 100-200 video mỗi ngày từ những người dùng yêu cầu anh gỡ bỏ xác nhận quyền sở hữu.

Các video thiếu kiểm chứng về sức khỏe vẫn xuất hiện hàng ngày trên mạng. Ảnh: BuzzFeed.

Theo một bài đăng vào năm 2021 từ Viện Đối thoại Chiến lược, một trung tâm nghiên cứu tin sai sự thật và chủ nghĩa cực đoan trên mạng có trụ sở tại London (Anh), ngay cả đoạn clip bị xóa, âm thanh gốc thường vẫn tồn tại trong các video của nhà sáng tạo khác.

TikTok đã ban hành chính sách gắn cờ nội dung như vậy, bao gồm thêm các biểu ngữ thông tin vào nội dung vaccine Covid-19.

Khi nói đến việc chống lại thông tin thiếu kiểm chứng nói chung, tất cả phương tiện truyền thông đều phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn.

Nền tảng đăng tải video lớn hàng đầu thế giới tuyên bố họ sẽ xóa các tài khoản vi phạm chính sách người dùng và nỗ lực nâng cao nội dung có thẩm quyền về các chủ đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng.


Nơi dung dưỡng cho thông tin sai lệch

Abbie Richards, thành viên nghiên cứu của Accelerationism Research Consortium, cho biết định dạng của TikTok cũng có lợi trong việc truyền bá các âm mưu cực đoan.

“Nó tạo cảm giác chân thực hơn so với văn bản và có vẻ đáng tin cậy. YouTube cũng là điểm đến video lớn hơn nhiều so với TikTok và cũng có khả năng truyền tải âm thanh”, bà Richards nói.

Trong giới làm đẹp, Michelle Wong, nhà hóa mỹ phẩm điều hành Lab Muffin Beauty Science, cho biết cô thường xuyên gặp những nhà sáng tạo tách thành phần ra khỏi bối cảnh chung và gây sợ hãi về kem chống nắng bằng chứng từ mà thậm chí họ không có quyền truy cập hoặc không hiểu.

“Điều đó khá thuyết phục, bởi vì rất ít người thực sự sẽ tra cứu từng tờ giấy được liệt kê”, cô nói.

Các tuyên bố gây sốc thường thu hút người xem. Ảnh: Wired.

Người xem bị thu hút bởi những tuyên bố đáng ngạc nhiên và nội dung có tính tương tác cao được thúc đẩy bởi thuật toán của ứng dụng.

Đó là lý do vì sao các video phản hồi hoang đường của bác sĩ Dhahir về biện pháp tránh thai bằng đường uống thường nhận được nhiều lượt xem hơn so với những lời giải thích đơn giản.

Bác sĩ Mughal cho biết anh hạn chế xúc phạm hoặc tấn công những người sáng tạo đã phổ biến thông tin sai lệch mà thay vào đó là tập trung vào việc giải quyết các tuyên bố về sức khỏe.

Tiến sĩ Katrine Wallace, nhà dịch tễ học và giáo sư tại Đại học Illinois tại Chicago (Mỹ), có cách tiếp cận khác. Cô liên hệ trước với người đăng ban đầu để giải thích vấn đề và đề nghị họ gỡ xuống hoặc lên tiếng xin lỗi. Nếu họ chặn hoặc xóa nhận xét của cô, Wallace sẽ làm video vạch trần.


Nguy hiểm cho người vạch trần

Việc viết kịch bản, quay phim và chỉnh sửa, chưa kể đến quản lý các bình luận có thể mất hàng giờ mỗi ngày.

Để thu hút khán giả, mỗi video phải truyền tải chính xác tính khoa học nhưng cũng xen lẫn sự hài hước để dễ dàng tiếp cận trong vòng 15 giây.

Khi Michelle Wong làm việc thêm 30 giờ một tuần để sáng tạo nội dung, mối quan hệ giữa cô và một số đối tác cũng kết thúc. Công sức của cô không được trả thêm tiền mà còn bị nhiều nhà tài trợ từ chối vì xung đột lợi ích.

Một khi những nhà khoa học chuyên phản bác có lượng người xem trung thành, việc duy trì và xây dựng tài khoản cũng có thể dẫn đến kiệt sức. Giống như hầu hết influencer khác, họ tự tạo áp lực cho bản thân để trở nên nổi trội.

Tiến sĩ Wallace cho hay yếu tố mệt mỏi nhất là sự quấy rối. Những người bình luận liên tục xúc phạm cô khi đăng bài ủng hộ việc tiêm chủng.

Cô cũng nhận được các tin nhắn đe dọa và bạo lực tình dục thông qua tài khoản email cá nhân của trường đại học.

Nhiều chuyên gia y tế bị tấn công bởi người dùng cực đoan. Ảnh: New York Times.

Dhahir đã cân nhắc việc bỏ mạng xã hội sau khi nhiều người tìm thấy địa chỉ hiệu thuốc và lan truyền tin đồn về cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp của anh.

Còn với bác sĩ Mughal, anh đã nghe lời phàn nàn từ các đồng nghiệp vì nội dung của anh khiến họ gặp rắc rối. Anh cũng e ngại việc bị tước giấy phép hành nghề khi biện pháp bảo vệ cho những nhà sáng tạo nội dung về sức khỏe còn mong manh.

Bất chấp trở ngại, những chuyên gia y tế như Mughal vẫn nỗ lực giúp cộng đồng thoát khỏi thông tin sai lệch.

Cố gắng của họ đã được đền đáp. Nhiều người theo dõi Wallace đã tiêm phòng sau khi xem video của cô. Một số khác thì đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn và để lại lời cảm ơn cho các bác sĩ.


(Theo Zing)

Chia sẻ Facebook