Vicostone (VCS) ước tính lãi 235 tỷ đồng trong quý 3/2022, giảm 59% so vớ cùng kỳ
Kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu do doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu.
Mới đây, Công ty Cổ phần Vicostone (mã CK: VCS) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất ước tính quý III/2022. Cụ thể, doanh thu thuần ước tính lần lượt đạt 1.093 tỷ đồng, giảm 41%, lợi nhuận trước thuế đạt 235 tỷ đồng, giảm 59% và lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kì năm 2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Vicostone ước đạt 4.431 tỷ đồng doanh thu, 1.119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 941 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tương ứng 14,89%, 27,44% và 27,88% so với cùng kì năm 2021.
Năm 2022, Vicostone vẫn đặt mục tiêu kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 8.367 tỷ đồng và 2.413 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,34% và 15,06% so với năm 2021. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty ước tính đã hoàn thành được 53% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận.
Được biết, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu do doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu. Năm 2022, thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng trong lĩnh vực nội thất bị thiếu hụt, giá cước vận tải tăng cao … đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nói chung. Việc tiêu thụ sản phẩm của công ty cũng bị chậm lại.
Nguồn: BVSC
Theo 1 báo cáo trong tháng 8 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhu cầu tiêu thụ nhà tại Mỹ vẫn lớn do nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp. Tỷ lệ lấp đầy nhà thuê tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 và 2023 do nhu cầu sử dụng đang lớn. Tuy nhiên, với lạm phát ở mức cao và lãi suất liên tục tăng khiến các khoản chi phí mua nhà tăng (chủ yếu do chi phí lãi vay khi mua trả góp ở mức cao). Sản lượng tiêu thụ BĐS dự báo sẽ chậm lại.
Bên cạnh đó, rủi ro của Vicostone từ chịu thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ thấp nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. BVSC nhận thấy giá bán xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vẫn đang cao hơn mức giá nhập khẩu đá thạch anh nhân tạo trung bình tại Mỹ nên rủi ro bị kiện chống bán phá giá không quá lớn. Việt Nam không có hoạt động trợ cấp, ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, rủi ro bị cáo buộc trợ cấp ở mức thấp.
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên khiến biên lợi nhuận giảm xuống trong ngắn hạn. BVSC đánh giá việc tự chủ nguồn cung đầu vào giúp Vicostone tiết giảm chi phí NVL đầu vào nhờ đi từ các sản phẩm thô ban đầu và giảm được biến động chi phí NVL. Hiện Vicostone đang tương đối chủ động về nguồn cung 2 nguyên liệu.
Vicostone đóng vai trò là đầu mối kinh doanh đá nhân tạo của cả tập đoàn Phenikaa. Điều này giúp chuyên môn hóa việc cung cấp NVL cũng như giúp thống nhất chính sách bán hàng cho cả tập đoàn. Ngoài ra, nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô của VCS.
Ngoài ra, rủi ro các lệnh cấm hay hạn chế tiêu thụ đá nhân tạo tại thị trường Úc chưa quá lớn nhờ các biện pháp về đảm bảo môi trường làm việc hạn chế bụi.