Vị vua qua đời vì đói sau 3 ngày lên ngôi: Thời kì "4 tháng đổi 3 vua" tăm tối nhất triều Nguyễn

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:40:45

Quan thần lũng đoạn triều đình, số phận của vị vua này hẩm hiu, đến khi chết vẫn còn long đong.

Sau khi vua Tự Đức băng hà (19/07/1883), triều đình nhà Nguyễn lâm vào thế rối ren. Chỉ trong bốn tháng (từ tháng 7 đến tháng 11.1883), ngai vàng triều Nguyễn đã ba lần đổi chủ: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc. Nhân tình hình này, thực dân Pháp đã tấn công vào cửa biển Thuận An. Chống trả không thành công do chênh lệch lực lượng, triều đình buộc phải nghị hòa với Pháp cho phép chúng can dự vào chính sự nước ta. Cuộc phế - lập liên tiếp rối bời này là sự tranh chấp giữa phái chủ chiến (do Tôn Thất Thuyết đứng đầu) và phái chủ hòa (do Trần Tiễn Thành đứng đầu) trong triều đình bấy giờ.

Ông Ích Khiêm - một vị tướng có tài - đã mạnh dạn dám lên tiếng phê phán nên bị hai viên đại thần đó bắt giam. Ông đã làm nên 2 câu thơ tóm tắt nên toàn bộ hoàn cảnh bấy giờ ngay trong ngục tối:


"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết


Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường”


có nghĩa: hai nước mà chỉ có một con sông thì khó phân, chỉ bốn tháng mà có tới ba vua thì rất không tốt lành. Hai từ cuối cùng của hai câu cũng được cho là tên của hai vị phụ chính Thuyết và Tường.


Vua Tự Đức truyền ngôi

Lúc nhỏ, vua Tự Đức bị bệnh đậu mùa nên không thể sinh con. Ông có tới 300 người vợ, phi tần nhưng vì không có con được mà trong triều đình thì lại cần phải có người nối dõi nên ông đã nhận 3 người con của hai em trai làm con nuôi. Trong số 3 người con, người ông vừa lòng nhất là Ưng Đăng. Nhưng vì, thứ nhất Ưng Đăng còn nhỏ tuổi, thứ 2 Ưng Chân là người con lớn nhất nên ông buộc lòng truyền ngôi báu lại cho Ưng Chân.

Vua Dục Đức (tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Chân) sinh ngày 4 tháng Giêng năm Quý sửu (11.2.1853), là con thứ hai của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y (con trai thứ tư của vua Thiệu Trị) và bà Trần Thị Nga. Thuở nhỏ ông có tên là Ưng Ái. Năm 1869, khi được 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm dưỡng tử (con nuôi) và đổi tên thành Ưng Chân.

Năm 1870, vua Tự Đức ban dụ chọn Ưng Chân làm hoàng trưởng tử, cho xây Dục Đức Đường ở bên ngoài cửa Hiển Nhân của Hoàng Thành làm nơi ăn ở và học hành của Ưng Chân và giao cho Lệ Thiên Anh hoàng hậu (Võ Thị Duyên) trông coi việc dạy bảo.

Hoàng tử Ưng Chân từ khi ra nhà học đến nay, đã nhiều lần giao cho đình thần chọn kỹ các viên giáo đạo đều là bậc chính nhân lúc bấy giờ, lại đặt các viên giảng tập là để cho sớm tối giảng tập sửa chữa không phải là không đến nơi đến chốn. Thế mà ba, bốn năm nay, học và hạnh đều chưa thấy tiến ích sao cho xứng đáng với lòng mong mỏi của trẫm

bậc trung trở xuống, không dạy không nên người, không nghiêm cũng không được, bèn sai chọn lấy một cái roi mây, nguyên trước ban cho nhà học Chấn Hanh, giao cho hai viên giáo đạo, để làm hình phạt trong khi dạy Ưng Chân

Ưng Chân lớn tuổi nhất, từ lâu đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên, mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương nổi việc lớn. Nhưng đất nước cần vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này không dùng Ưng Chân thì dùng ai?

Vua Tự Đức đành phải nhường ngôi cho Ưng Chân.


Quan thần làm loạn


Ưng Chân vốn có quan hệ mật thiết với người Pháp. Từ năm 1881, ông đã chuyển giao nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến việc nước cho Khâm sứ Rheinart. Điều này khiến hai viên phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lo ngại nên tìm cách phế bỏ ông.

Trong số 13 vị vua của nhà Nguyễn, vua Dục Đức là người có thời gian tại vị ngắn nhất.

Ngày 19 tháng Sáu năm Quý mùi, triều thần làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngai vàng, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu, đến đoạn văn trên thì không đọc (có sách chép là cố tình đọc nhỏ để đình thần không nghe rõ). Tôn Thất Thuyết thấy vậy liền cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, sau đó hai vị quan này đã "hỏi tội"  ông Trần Tiễn Thành về việc làm giả di chiếu. Đúng 3 ngày sau, 2 phụ chính đại thần dâng biểu lên Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ, vạch ra 4 tội của nhà vua: Muốn sửa di chiếu của vua cha; Có đại tang mà mặc áo màu; Tự tiện đưa một giáo sĩ vào Hoàng thành và Thông dâm với nhiều cung nữ của vua. Đình thần không ai dám nói gì, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, rồi cách chức đuổi về quê.

Ưng Chân bị giam ở Dục Đức Đường, sau dời sang giam tại Thái Y Viện. Đến tháng Chín năm Quí mùi (tháng 10.1883) thì bị chuyển vào giam tại ngục thất phủ Thừa Thiên rồi bị bỏ đói cho đến chết. Ông mất ngày 6 tháng Chín năm Giáp thân (24.10.1884) khi mới 31 tuổi. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên người đời sau đã lấy tên Dục Đức Đường, là nơi ở và cũng là nơi giam cầm ông sau này, để gọi ông là vua Dục Đức.

Sau khi bị truất ngôi, ông bị quản thúc tại Dục Đức Đường rồi hôm sau bị tuyên án, giam ở Thái y viện. Tại đây, thương tình vua cũ nên lính canh thỉnh thoảng nhét cho ít cơm nắm cùng áo rách đã nhúng nước để vua vắt ra uống. Cứ như vậy, vua Dục Đức thoi thóp không đến một tháng thì qua đời. Nhưng theo sử gia Phạm Văn Sơn thì quan Thuyết và Tường đã sai người giết vua bằng thuốc độc vì sợ để lâu sinh biến.


Phận vua hẩm hiu

Sau khi mất, người ta gói thi hài của vua vào một chiếc chiếu, giao cho hai người lính và một viên quyền suất đội gánh đi chôn. “Ðám tang” của ông vua xấu số này được đưa về An Cựu, dự tính mai táng trong khuôn viên chùa Tường Quang, là nơi cô ruột của vua Dục Đức đang tu hành. Tuy nhiên, trên đường đi, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống cạnh một khe nước cạn ở đầu làng An Cựu. Một người lính chạy vào chùa Tường Quang mời ni sư trụ trì ra xử lý vụ việc. Sau cùng, mọi người nhất trí chọn nơi chiếc quan tài rơi xuống làm nơi yên nghỉ của vua vì cho rằng đó là đất “thiên táng” và chôn cất qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang. Nấm mộ đất cạnh khe nước cạn, lại không người chăm sóc nên nhanh chóng không thấy dấu vết nữa.

Năm 1889, do một hoàn cảnh bất ngờ, con trai của vua Dục Ðức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên làm vua. Sau khi tức vị, Bửu Lân đặt niên hiệu là Thành Thái (1889 - 1907) và bắt đầu cho tìm kiếm, cuối cùng chôn cất được vua Dục Đức trong một mảnh đất thiên táng có tên An Lăng, được xây vào năm 1890.

Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn Dục Đức là Cung Tông Huệ hoàng đế. Tuy nhiên, do vua Dục Đức bị phế truất, nên linh vị của ông không được đưa vào thờ trong Thế Tổ Miếu ở trong Đại Nội Huế như các vị vua Nguyễn khác.

Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điều

An Lăng - nơi thờ cúng vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. (Ảnh: Wikipedia)


Sau khi lật đổ vua Dục Đức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa Hồng Dật (em vua Tự Đức) lên ngôi, tức vua Hiệp Hòa. Bốn tháng sau, 29-11-1883, Thuyết và Tường lại lật đổ vua này, bắt phải uống thuốc độc tự tử. Ngày 27 tháng Sáu năm Quí mùi (30.7.1883), Hồng Dật lên ngôi, trở thành vua Hiệp Hòa. Nhưng thời gian ở ngôi của ông chỉ vỏn vẹn bốn tháng và ông vua “bất đắc dĩ” này đã kết thúc cuộc đời bằng cái chết oan nghiệt đến nay chưa biết nguyên nhân. Vậy là chỉ trong bốn tháng (từ tháng 7 đến tháng 11.1883), ngai vàng triều Nguyễn đã ba lần đổi chủ: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc, quả là một thời kì tối tăm của triều Nguyễn.

Nguồn tham khảo: Quốc sử quán triều Nguyễn, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc.


Thu Ngân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Chia sẻ Facebook