Vị vua nhà Nguyễn là khắc tinh của đám tham quan

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:26:12

Trong sử Việt nổi lên hai vị vua là khắc tinh của tham quan, dưới thời những vị vua này, tham quan không còn đường sống. Đó là vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng.


Việc vua Lê Thánh Tông trị tham quan, chống tham nhũng, giúp xã tắc yên bình, Đại Việt trải qua thời kỳ thịnh trị, chúng ta đã từng nhắc tới trong những kỳ trước (Xem bài: Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa ”). Kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những chính sách chống tham nhũng dưới thời vua Minh Mạng.

Chân dung Minh Mạng theo minh họa trong sách của John Crawfurd. (Tranh: Cornell Library, Wikipedia, Public Domain)

Để Giang Sơn xứng danh “Đại Nam”


Dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1835, với các vùng đất từ Ai Lao và Cao Miên sáp nhập vào, lãnh thổ Việt Nam đạt đến cực điểm, rộng 575.000 km 2 tức gấp hơn 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ (hơn 331.000 km 2 ).

Bản đồ Việt Nam năm 1835 sau khi sáp nhập các vùng đất của Lào và Campuchia (Tranh: [email protected])


Trước sự lớn mạnh của Giang Sơn, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam. (Xem bài: Thời nhà Nguyễn thế kỷ 19: Lãnh thổ Việt Nam rộng lớn gấp 1,7 lần hiện nay)


Để đất nước hùng mạnh xứng với tên “Đại Nam”, vua Minh Mạng rất nghiêm khắc với tham quan, không ngoại trừ bất kỳ ai dù là Hoàng thân quốc thích khiến tham quan bị diệt sạch không còn đường sống. Sách “Đại Nam thực lục” có ghi chép cụ thể các việc này:


1. Quan có công trộm hơn một lạng vàng bị xử chém


Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ Nội vụ, lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát hiện và bộ Hình đưa ra xét xử. Theo luật Gia Long, tội ăn trộm quốc khố thì không phân biệt trộm nhiều hay ít đều bị chém đầu. Tuy nhiên vì nhận thấy Lý Hữu Diệm làm quan có công lao, nên bộ Hình chỉ xử đi đày viễn xứ.


Khi bản án được tâu lên, vua Minh Mạng đã không đồng ý với đề nghị của bộ Hình, mà yêu cầu phải xử theo đúng Luật, lệnh đem ra chợ Đông Ba chém để nhiều người trông thấy mà tự sửa mình.


Vua đưa ra chỉ dụ: “Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết, phải truyền cho viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.

Thiết nghĩ làm quan không phải người nghèo mà ăn trộm thì làm sao trị vì được muôn dân? Thượng bất chính hạ tắc loạn. Việc chém đầu tuy nghiêm khắc, nhưng lại có tác dụng răn dạy lớn đối với những kẻ tham nhũng, gửi đi một thông điệp rõ ràng của vua Minh Mạng.


2. Chặt tay để răn đe nhiều kẻ khác


Một viên quan trong Nội phủ là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, việc bị phát giác. Vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.


3. Không cho phép ảnh hưởng đến đời sống người dân


Một năm nọ Quảng Nam đói kém, Vua sai bán thóc trong kho cho dân chúng. Các quan phát hiện Lý trưởng Đặng Văn Diên lĩnh thóc bán cho riêng mình, xin chém để răn mọi người.


Vùng Quảng Trị cũng có năm đói kém, Vua sai phát thóc cứu dân, nhưng các quan địa phương cố ý phân loại, người được ưu tiên phát nhiều, người phát ít, thậm chí có đến 211 xã không được mua. Vua liền cho cách chức rồi bắt giam các quan này.

Không kể tình riêng, bố vợ vua Minh Mạng cũng bị xử chém


Huỳnh Công Lý là võ tướng từ thời vua Gia Long, lập được nhiều công lao nên được phong là Lý Chính Hầu, con gái của ông được vua Minh Mạng phong là Huệ Phi. Từ đó Lý Chính Hầu càng được tin dùng, được phong làm Phó tổng trấn Gia Định, quyền hành chỉ sau mỗi Tổng trấn Lê Văn Duyệt.


Khi Lê Văn Duyệt ra Huế, Lý Chính Hầu đảm nhiệm phụ trách trấn Gia Định, nhân cơ hội này mà thừa cơ vơ vét của cải của người dân và binh lính.


Khi Lê Văn Duyệt quay về Gia Định thì nhận được rất nhiều tin báo về việc làm của Lý Chính Hầu. Sau khi xác thực vụ việc Lê Văn Duyệt liền báo về Triều đình.


Không kể là người nhà, vua Minh Mạng hạ lệnh bắt giam ngay bố vợ và cử người vào Gia Định tìm hiểu sự việc. Khi sự việc được báo lên Vua, số tiền Lý Chính Hầu tham nhũng lên đến 30.000 quan tiền, vua Minh Mạng buồn rầu mà than rằng:


Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực.


Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được.

Lăng vua Minh Mạng. (Ảnh: Tim Hill, Wikipedia, CC BY-SA 2.0)


Sau đó cuộc điều tra còn cho thấy Lý Chính Hầu khi ở Huế có bắt lính xây nhà riêng cho mình ở sông Hương. Vua liền cho bán ngay ngôi nhà này lấy tiền giúp cho cấm binh.


Vụ án kết thúc, Vua lệnh cho xử theo đúng luật định bất kể đó là người nhà hay Hoàng thân quốc thích. Lý Chính Hầu bị xử tử ở Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho binh lính và dân chúng.


Minh Mạng là một vị vua nghiêm khắc không kể tình thân quyến, bất kỳ ai cũng xử đúng theo luật định khiến quan tham không còn đất dụng võ. Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ.


Trần Hưng

Bùi Đắc Tuyên: Quyền thần khiến nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ (P1)

Mời xem video: Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?

Chia sẻ Facebook