Vị thế đối ngoại ngày càng lớn mạnh, thách thức và nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:04:16

Hôm nay, ngày 8/8, ASEAN sẽ kỷ niệm tròn 55 năm thành lập. Một lễ thượng cờ long trọng sẽ được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội.


Sau 55 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đang hướng tới trở thành một trong những cộng đồng hình mẫu về sự hợp tác toàn diện trên thế giới.

Hơn nửa thế kỷ qua, các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt đã thu hút được sự tham gia của các đối tác lớn, khẳng định được vai trò trung tâm của mình.

ASEAN đã phát triển nhiều "quy chế đối thoại", là phương thức xử lý quan hệ với các nước lớn, những đối tác thông qua đối thoại, hợp tác ở các mức độ khác nhau. Có thể kể đến như ASEAN+1, ASEAN+3 và cơ chế cấp cao Đông Á.

Hiện nay, ASEAN có 11 đối tác đối thoại chính thức, trong đó có 9 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế.

Ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN, phát biểu: "ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong suốt 55 năm qua nhờ hội nhập trên ba trụ cột là chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa. 55 năm qua mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN cả về kinh tế, an ninh cũng như ổn định chính trị".

ASEAN hiện là trung tâm của mạng lưới các Hiệp định tư do ở khu vực. ASEAN tiếp tục là động lực chính trong thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và tiểu khu vực, mà gần đây nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tháng 11/2020.

Bà Joanne Lin Weiling, nhà nghiên cứu về ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, cho biết: "Về kinh tế, ASEAN đã thúc đẩy khu vực Đông Nam Á trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã giúp người dân ASEAN thoát khỏi đói nghèo hiệu quả".

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawanm, Brunei. (Ảnh: TTXVN)


Tuy nhiên, bối cảnh địa kinh tế, địa chiến lược tại Đông Nam Á và khu vực đang thay đổi rất sâu sắc. Sự can dự và cạnh tranh giữa các nước lớn vào khu vực ngày càng gay gắt, đang tiếp tục thử thách vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN tạo dựng.

Nếu nhìn về phía trước, cơ hội đối với ASEAN là rất lớn, nhưng đồng thời thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt là khi khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến cuộc cạnh tranh nước lớn mạnh mẽ.

ASEAN cần làm gì để kiểm soát rủi ro và duy trì vị thế của mình. Sau đây là ý kiến của các nhà ngoại giao và chuyên gia, học giả:

Ông Lim Jock Hoi: "ASEAN phải duy trì cảnh giác trước những rủi ro từ quá trình phục hồi sau đại dịch. Chúng ta đang phải đối mặt với lạm phát, vấn đề đang gây áp lực lên nền kinh tế của chúng ta".

Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam: "Có thể nói rằng vấn đề Biển Đông, nói cho cùng vẫn là một bộ phận của khu vực, là bộ phận không thể tách rời của khu vực, đây là cái phải khẳng định ngay lập tức, ngay từ đầu. Điểm thứ hai là các hoạt động ở trên biển rất phức tạp. Tình hình Biển Đông đặc biệt phức tạp bởi đây là tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới, khi mà tất cả như dầu mỏ, hàng hóa, rất nhiều các sản phẩm khác đều đi qua các khu vực Biển Đông".

Ông Saleumxay Kommasith, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào: "ASEAN cần tiếp tục duy trì vai trò trung tâm, lập trường đồng thuận trong giải quyết các thách thức. Tác động trực tiếp của các cường quốc đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải tính toán, xử lý sao cho có thể vượt qua được bất đồng, bảo đảm cho ASEAN duy trì tốt mối quan hệ trong khối".

Bà Sharon Seah, nhà nghiên cứu cao cấp, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore: "ASEAN cần phải có một lập trường chung trong xử lý các vấn đề khu vực, quốc tế. ASEAN đã đưa ra tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng cần biến đây thành một kế hoạch chiến lược nhằm thúc đẩy một môi trường thuận lợi tăng cường các quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN".

Chia sẻ Facebook