Vì sao tỷ lệ chi phí trên thu nhập của VPBank thấp hàng đầu hệ thống?
Với tỷ lệ chi phí trên thu nhập chỉ 20,6%, VPBank đang cho thấy là ngân hàng hoạt động hiệu quả hàng đầu trên hệ thống.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của VPBank cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt hơn 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất là hơn 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu. Với sự chênh lệch về tổng thu nhập hoạt động và chi phí hoạt động như vậy, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng chỉ ở mức 20,6%.
Trong cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư ngày 28/7 vừa qua, đại diện Ban lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh CIR của VPBank là thấp hàng đầu thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Tỷ lệ CIR 20,6% của VPBank nói lên rằng, để tạo ra 100 đồng lợi nhuận, VPBank chỉ phải chi ra 20,6 đồng chi phí. Trong khi ở rất nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam, số chi phí phải bỏ ra cho 100 đồng lợi nhuận đang ở mức hơn 30 đồng hoặc thậm chí hơn 40 đồng.
Ngoài CIR ra, các chỉ số khác về hiệu quả sử dụng vốn như tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank cũng đều ở nhóm đứng đầu thị trường, tương ứng 3,5% và 23,4%.
Động lực chính giúp VPBank có được hiệu suất hoạt động cao như vậy nằm ở một chiến lược số hóa mạnh mẽ đã được triển khai trong nhiều năm qua. Minh chứng thêm về động lực này trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư, đại diện ngân hàng đã đưa ra các con số cho thấy sự chuyển dịch rất mạnh mẽ của VPBank sang một ngân hàng số. Cụ thể, VPBank đang có hơn 3,7 triệu khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng số VPBank NEO, tăng 61% so với một năm trước. Số lượng giao dịch qua app VPBank NEO trong nửa đầu năm tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, có tới 85% hợp đồng tín dụng của ngân hàng được giải ngân qua hình thức trực tuyến, bao gồm cả các khoản vay có tài khoản thế chấp.
Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, có thể nói VPBank là ngân hàng tiên phong ở thời điểm này có thể số hóa toàn bộ chu trình cho vay có tài sản đảm bảo. Trong đó, 100% bước xử lý thông tin và dữ liệu khách hàng được thực hiện trực tuyến qua app. Tỷ lệ số hóa trong khâu định giá tài sản đảm bảo, thẩm định và giải ngân cho khách hàng cũng tăng trưởng tốt, đặc biệt với sản phẩm cho vay ô tô thì tỷ lệ hợp đồng số hóa cho toàn bộ chu trình cho vay khách hàng đạt trên 80%.
Các dịch vụ ngân hàng số dành cho khách hàng doanh nghiệp của VPBank cũng tăng trưởng rất mạnh trong 6 tháng qua. Các doanh nghiệp SME đã thực hiện khoảng 10,2 triệu giao dịch trực tuyến qua VPBank, tăng 47% so với cùng kỳ. Khoảng 63% các khoản vay dành cho phân khúc khách hàng chiến lược này cũng đã được giải ngân trực tuyến.
Chính nhờ tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động nên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của đã giảm rất nhanh và mạnh trong thời gian qua.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế