Vì sao trà là vật không thể thiếu trong hôn lễ xưa?
Dùng trà làm sính lễ là theo tư tưởng "Tùng nhất bất nhị", chỉ theo một người mà không theo hai, thể hiện tình yêu trung trinh không thay đổi
Từ xa xưa, khi nam nữ đính hôn hoặc kết hôn, trà là vật trọng yếu không thể thiếu được. Điều này có nguyên nhân sâu xa và nội hàm văn hóa truyền thống.
Trong phong tục hôn nhân cổ xưa, việc dùng trà làm quà đính hôn mang một ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Bởi vì cây trà kén đất trồng, đôi khi cùng giống trà nhưng chỉ có trồng ở một vùng đất mới ra được loại trà ngon như thế. Hơn nữa cây trà khó sống khi bị nhổ lên trồng chỗ khác. Bởi vậy trong tác phẩm “Trà kinh “ của Lục Vũ có ghi: “ Phàm nghệ nhi bất thực, cố thực nhi hãn mậu”, ý nói đối với cây trà, phàm là di dời để trồng thì không thích hợp, nếu cây trà có sống được thì cũng không được tốt.
Trong “Phẩm trà lục” của Tống Nhân viết: “Trồng trà nhất định phải gieo hạt, nếu nhổ cây lên trồng thì cây không sống được, vì vậy mà dùng trà làm lễ khi gả chồng cho con gái là thể hiện không rút lại hẹn ước”. Trong “Thất tu hối cảo” của Lang Anh đời Minh cũng viết: “Trồng trà thì phải gieo hạt, không thể nhổ trồng, nhổ cây lên trồng thì cây không sống được. Cho nên, nữ nhân nhận sính lễ thì gọi là ‘cật trà’ (đã ăn trà)”.
Ngoài ra, trong rất nhiều tác phẩm như “Trà phổ” của Vương Tượng Tấn, “Trà sơ” của Hứa Thứ Thư, “Thiên trung kí” của Trần Diệu Văn… đều có nội dung viết về ý nghĩa của trà trong sính lễ hôn nhân.
Người xưa quan niệm rằng duyên phận vợ chồng là đã định, khi kết hôn là xin Trời đất và cha mẹ hai bên chứng giám, vậy nên nghĩa vợ chồng là không được phép thay đổi, giống như cây trà đã trồng xuống rồi là đến chết cũng không di dời nữa.
Một ý nghĩa khác của việc dùng trà làm sính lễ là vì cây trà có nhiều hạt nên tượng trưng cho phúc lành, ý chỉ con đàn cháu đống, nối dõi phồn thịnh. Cũng bởi vì cây trà bốn mùa quanh năm xanh tươi tốt nên cũng biểu thị cho tình nghĩa vợ chồng nguyên vẹn, sống mãi. Cho nên nam nữ thời xưa kết lương duyên, mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn, sẽ lấy trà làm lễ. Trà lễ trở thành hình thức quan trọng để xác lập quan hệ hôn nhân.
Trà lễ cũng có nhiều cách gọi tùy thuộc vào các bước trong nghi thức hôn lễ. Từ đính hôn đến kết hôn nam nữ cần phải trải qua “tam trà lục lễ” . Khi đính hôn, nhà trai sẽ mang sính lễ đến gọi là Hạ trà, khi cưới thì gọi là Định trà, khi vợ chồng động phòng thì là Hợp trà.
Đặc biệt vào thời nhà Đường, trà lễ rất thịnh hành. Người ta đều gọi đính hôn là “thụ trà” (nhận trà), kết hôn là “ngật trà” (ăn trà), vàng để đính hôn gọi là “trà kim” , lễ vật gọi là “trà lễ” , bái lạy cha mẹ gọi là “bái trà”, “quỵ trà” . Công chúa Văn Thành đời nhà Đường khi được gả cho Tùng Tán Can Bố ở Tây Tạng đã lấy trà và đồ gốm làm của hồi môn. Trà lễ truyền vào Tây Tạng thông qua sự việc này.
Cổ nhân có quan niệm: “Hảo nữ bất cật lưỡng gia trà” , tức là người con gái nết na tốt đẹp thì không ăn trà của hai nhà. Khi nhà gái đã tiếp nhận trà, việc hôn nhân đã được định rồi, cô gái coi như đã “ăn trà” của người ta thì không được nhận trà của nhà khác nữa. Nếu nhận sính lễ của một nhà khác nữa thì sẽ bị mọi người coi thường. Trong “Hồng Lâu Mộng” hồi thứ 15 có đoạn sau khi Vương Hi Phượng đưa trà cho Lâm Đại Ngọc đã nói: “Ngươi đã ăn trà của nhà ta rồi, sao còn không làm con dâu nhà ta” . Chính vì thế, nữ nhân thời xưa không thể tùy tiện ăn trà. Một khi ăn trà thì gắn liền với ý nghĩ hứa thân, hứa hôn.
Người xưa rất trân quý trà. H ọ cho rằng trà là thứ cao quý chỉ dùng trong hiến tế thờ cúng. Cho nên, việc dùng trà làm lễ cũng là thể hiện thái độ trân quý, tôn trọng đối với hôn nhân. Họ xem hôn nhân là việc vô cùng hệ trọng của đời người, cho nên một khi đã thành vợ thành chồng là không dễ dàng từ bỏ.
Ngoài ra, việc dùng trà làm lễ trong hôn nhân còn có liên quan đến đời sống của người xưa. Người cổ đại rất chú trọng lễ tiết, trong kết giao trò chuyện hàng ngày nếu không có trà thì không thành lễ. Quá trình hai bên gia đình kết thành thông gia nhất định chứa đựng nhiều nghi thức, đôi bên qua lại thăm hỏi nhau nhiều lần nên nhất định cần có trà làm lễ vật cũng như để đôi bên vừa thưởng trà vừa trò chuyện.
Có thể thấy, duyên phận giữa trà và hôn lễ đã kéo dài hàng ngàn năm qua và sứ mệnh của văn hóa trà trong hôn nhân vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay.
Theo Kknews.cc
An Hòa biên tập
Mời xem video :