Vì sao TP Hồ Chí Minh sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố?
TP Hồ Chí Minh sẽ không còn hơn 25.300 tổ dân phố, tổ nhân dân sau khi sắp xếp lại. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi gì cho các địa bàn dân cư?
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiên công tác tinh gọn, sáp nhập các tổ dân phố, giảm bớt các thôn để phù hợp với biến động dân cư cũng như tăng phụ cấp cho những người chịu trách nhiệm như trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương phải sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố. TP. Hồ Chí Minh hiện không giống với các tỉnh thành khác, dưới phường có đến 2 cấp trung gian là khu phố rồi tổ dân phố; dưới xã cũng là ấp rồi tổ nhân dân. Mô hình này đã tồn tại 40 năm nay. Giờ sắp xếp lại thì dưới phường, xã sẽ chỉ còn 1 cấp là khu phố, ấp - đúng với quy định của Trung ương và như vậy, sẽ không còn hơn 25.300 tổ dân phố, tổ nhân dân.
Tổ dân phố - tổ nhân dân là mô hình tự quản, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở một đô thị có mật độ dân số đông. Không thể phủ nhận vai trò cầu nối của tổ dân phố - tổ nhân dân trong gần 4 thập kỷ qua đó cũng chính là cảm nhận của người dân.
Những công việc nhỏ nhưng thân thiết hằng ngày đã được mạng lưới tổ dân phố - tổ nhân dân quán xuyến, hỗ trợ, giải đáp. Tuy nhiên, tinh giản bộ máy hành chính đang là yêu cầu chung của cả nước và hiện công nghệ thông tin đã phát triển hơn đòi hỏi Thành phố phải thay đổi.
Từ năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát thống kê về hoạt động khu phố. Kết quả cho thấy, số hộ dân ở các khu phố, ấp không đồng đều, có những khu phố, ấp có tới 4.000 hộ, cao gấp 10 lần so với quy định. Với việc tổ chức lại khu phố - ấp, dự kiến sẽ có hơn 38.000 người nghỉ việc. Thành phố sẽ tổ chức thực hiện mô hình mới thế nào?
Tại khu phố 7 phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, số hộ dân ở mỗi tổ dân phố quản lý không đồng đều. Có tổ chỉ quản lý 180 hộ nhưng có tổ lại quản lý số hộ tới 580 hộ dân. Theo đại diện khu phố này, phương án nhập từ 3 - 5 tổ dân phố, tổ nhân dân hiện hữu thành một khu phố, ấp, tổ chức lại khu phố ấp với số hộ bình quân từ 350-450 hộ trở lên là phù hợp. Thấp hơn mô hình hiện hữu từ 150-250 hộ.
Với phương án sắp xếp mới, số chức danh được hưởng phụ cấp ở khu phố - ấp cũng sẽ được tinh giản. Cũng theo đề án sắp xếp, mức hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho khu phố ấp là không thay đổi. Số lượng chức danh đảm nhiệm công việc giảm sẽ có cơ sở để nâng thu nhập cho cán bộ làm ở khu phố - ấp.
TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ làm điểm sắp xếp lại tổ dân phố tại quận 1 và TP Thủ Đức, sau đó rút kinh nghiệm, đề xuất quy mô số hộ trong khu phố cho phù hợp với thực tiễn. Thành phố thực hiện có lộ trình và hoàn thành việc sắp xếp khu phố - ấp trong quý I/2025. Thành phố cũng yêu cầu việc sắp xếp không phát sinh xây dựng trụ sở mới và bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện khi chọn người tham gia khu phố - ấp chịu được áp lực, tăng tính chuyên trách, xử lý nhanh các vấn đề thực tế một cách hữu hiệu.
Theo tính toán của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, khi sắp xếp lại khu phố - ấp, bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, phụ cấp cho những người làm ở khu phố, ấp sẽ tăng lên, trong khi đó tổng kinh phí chi phụ cấp từ đó tiết kiệm hơn 44 tỷ đồng/năm. Dự kiến số lượng tổ chức giảm hơn 80%; số người tham gia sẽ giảm tới gần 60%. Vấn đề đặt ra là không chỉ tinh gọn bộ máy mà quan trọng đây là cơ hội để tái sắp xếp, tổ chức cho phù hợp hơn, đi kèm với đó là chú trọng vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Có thể thấy chủ trương sắp xếp lại khu phố, ấp là hợp lý để tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào đều không ngoài mục tiêu vừa đảm bảo tính hệ thống, xuyên suốt, gọn nhẹ của hệ thống chính trị, vừa nhằm xây dựng cơ chế phát huy quyền tham gia các hoạt động hành chính, chính trị của mọi người dân.
Nguyệt Hà, Văn Dương