Vì sao Thụy Sĩ đứng ngoài cơn bão lạm phát tại châu Âu?
Trong khi các nước châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng giá cả leo thang thì tại Thụy Sĩ, lạm phát đã được chế ngự, thậm chí một số loại dịch vụ còn có xu hướng giảm.
Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Thụy Sĩ vẫn bình ổn dù các nước ở châu Âu đang phải chứng kiến tình trạng giá cả tăng cao, đặc biệt là xăng dầu.
Ông Jean-Pierre Borboen - Người dân thị trấn Rolle, Thụy Sĩ cho biết: "Hiện giá xăng có tăng nhưng giá thực phẩm thì vẫn thế, tôi chưa thấy mình bị ảnh hưởng gì nhiều".
Thủy điện chiếm một phần lớn sản lượng điện của Thụy Sĩ, đây là lợi thế giúp quốc gia này ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu và khí đốt tăng cao như các nước khác. Năng lượng chỉ chiếm 5% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng CPI của Thụy Sĩ, so với 8% ở Mỹ và 10% ở Đức, nơi mà những người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự tăng giá của nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, đồng franc của Thụy Sĩ mạnh, lên gần mức cao nhất trong 7 năm, ngang bằng với đồng euro - cũng giúp ích rất nhiều trong hoạt động nhập khẩu, dẫn đến bình ổn giá cả trong nước.
Ông Rudolf Minsch - Nhà kinh tế trưởng, Tổ chức kinh doanh Economiesuisse phân tích: "Giá dầu hiện nay đang tăng một cách chóng mặt, nhưng tại sao chúng lại có tác động hạn chế đến tỷ lệ lạm phát của Thụy Sĩ. Có rất nhiều lý do, thứ nhất, chúng tôi có đồng franc mạnh, điều này sẽ khiến cho việc nhập khẩu dầu ít tốn kém hơn. Lý do thứ hai là hiệu quả năng lượng cao của nền kinh tế Thụy Sĩ. Lý do thứ ba là người dân Thụy Sĩ có thu nhập cao, chính vì vậy họ sẽ không phải chi tiêu quá nhiều cho năng lượng, đặc biệt là năng lượng hóa thạch".
Một trong những lý do khiến lạm phát ở Thụy Sĩ thấp là việc chi phí sống tại quốc gia này đã cao từ trước. Thụy Sĩ có những biện pháp bảo vệ nhằm chống lại tình trạng giá nhập khẩu tăng cao và giúp giá trong nước ổn định, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu giành được lợi thế trước các đối thủ nước ngoài.
"Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có các biện pháp mạnh mẽ nhất để bảo vệ ngành nông nghiệp chỉ sau Hàn Quốc, Iceland, Na Uy và Nhật Bản. Điều này khiến giá lương thực cao. Chi phí sống của chúng tôi cao, nhưng chúng tôi cũng có đồng Franc giá trị, chúng tôi phải chi ít hơn cho việc nhập khẩu thực phẩm, do đó người tiêu dùng sẽ không thấy giá cả tăng như ở các quốc gia khác", ông Rudolf Minsch nói.
Đầu năm nay, Thụy Sĩ cũng thay đổi 2 điều luật nhằm ổn định giá cả, đầu tiên là tăng cường luật cạnh tranh giúp ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài áp mức giá cao đối với Thụy Sĩ; biện pháp thứ hai là cấm hệ thống cản trở địa lý được các nhà bán lẻ sử dụng để hạn chế khách hàng trực tuyến mua những sản phẩm hay dịch vụ rẻ hơn từ các nền tảng nước ngoài bằng việc chuyển hướng họ đến các trang web của Thụy Sĩ.
Với những đặc điểm riêng biệt và chính sách kiểm soát giá của Thụy Sĩ, có thể hiểu vì sao nước này không bị lạm phát như nhiều quốc gia khác trên thế giới.