Vì sao thị trường tài chính toàn cầu vẫn bình yên sau vụ vỡ nợ của Nga?
Đầu tuần này, Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Nga (năm 1917), vì không trả lãi đối với hai lô trái phiếu khi hết thời gian ân hạn 30 ngày vào ngày 26/06.
Vì sao thị trường tài chính toàn cầu vẫn bình yên sau vụ vỡ nợ của Nga?
Thế nhưng, thị trường tài chính toàn cầu dường như vẫn yên bình sau vụ vỡ nợ của Nga. Tình trạng này có lẽ hoàn toàn khác với vụ vỡ nợ năm 1998.
Còn nhớ, vào tháng 8/1998, Nga vỡ nợ đối với trái phiếu định danh bằng Rúp, qua đó châm ngòi cho sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, lạm phát tăng mạnh và gây sự suy giảm về kinh tế cũng như hàng loạt vụ phá sản ngân hàng.
Lần này lại khác hẳn, khi thị trường dường như không có phản ứng nặng nề với sự kiện vỡ nợ của Nga. Vì sao lại thế?
Theo CNN , sự kiện vỡ nợ của Nga đã được giới đầu tư lường trước. Việc Nga không thanh toán được 100 triệu USD tiền lãi trái phiếu không phải là một cú sốc. Thay vào đó, đây là việc đã được lường trước vì hơn một nửa dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và trước đó, Mỹ đã chấm dứt một biện pháp miễn trừ cho phép Moscow thanh toán cho các trái chủ Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng gây khó khăn cho Nga trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ bằng cách trừng phạt Cơ quan Lưu ký thanh toán Quốc gia Nga – đơn vị giữ vai trò đại lý cho trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ nước này.
Thị trường đã chuẩn bị tâm lý trước, điều này thể hiện qua việc giá trái phiếu của Nga giảm sâu. Đối với nhiều nhà đầu tư, vụ vỡ nợ của Moscow thậm chí đã diễn ra từ trước rồi. Hồi tháng 4, tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P cho rằng Nga đã “vỡ nợ một phần” khi nước này đề nghị dùng đồng Rúp thay vì USD trả nợ trái phiếu quốc tế.
“Nga có lẽ đã vỡ nợ từ tháng 3 hoặc tháng 4”, Timothy Ash, Chiến lược gia của BlueBay Asset Management, phát biểu.
Kế đó, CNN cho rằng giới đầu tư đã không còn nắm giữ nhiều trái phiếu Nga. Sau năm 1998, các nhà đầu tư nước ngoài đã không có nắm giữ nhiều nợ Nga như trước. Xu hướng này càng được đẩy nhanh sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea.
“Các rủi ro địa chính trị xoay quanh Nga đã gia tăng kể từ năm 2014”, Ash cho biết.
Các thị trường mới nổi trên toàn cầu cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua, khiến sức nặng tương đối của Nga giảm bớt. Điều này giúp làm giảm mối lo ngại về ảnh hưởng lây lan của sự suy giảm kinh tế Nga, dù dây vẫn luôn là một rủi ro đối với thế giới.
Và thứ ba, cuộc khủng hoảng ở Nga đã và đang ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu theo những cách khác. Thị trường tài chính thế giới có thể không hoảng sợ vì Nga vỡ nợ, nhưng đã có phản ứng với chiến tranh Nga-Ukraine. Điều đó thể hiện qua đà tăng của giá lương thực-thực phẩm và giá xăng dầu, qua đó đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Lạm phát cao buộc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư hiện đang lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bị buộc phải tăng lãi suất.
Việc thắt chặt điều kiện tài chính cần phải được kiểm soát kỹ lưỡng và đây là lý do chính đẩy chỉ số S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường con gấu sau khi giảm hơn 20% so với mức kỷ lục thiết lập hồi đầu năm. Chỉ số Fear & Greed của CNN – đo lường nỗi sợ hãi và lòng tham ở Phố Wall – hiện cho thấy Phố Wall đang chìm sâu trong trạng thái “sợ hãi”. Cách đây hơn 1 tuần, chỉ số này thậm chí rơi vào trạng thái “cực kỳ sợ hãi”.
Vũ Hạo ( Theo CNN )