Vì sao Tào Tháo cương quyết xây 72 ngôi mộ cho mình khi còn sống?
Đến nay, các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy lăng mộ của Tào Tháo. Nguyên do được cho là vì khi còn sống, Tào Tháo đã cho xây 72 ngôi mộ. Vậy nên, vị trí mộ thật rất khó xác định.
Tào Tháo (155 - 220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và thời Tam quốc. Ông là một trong những đại nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến tình hình Trung Quốc thời bấy giờ. Tào Tháo được người đời nhớ đến là người thông minh, lắm mưu nhiều kế, đa nghi, gian xảo.
Đến lúc qua đời năm 220, Tào Tháo vẫn không trở thành hoàng đế. Dù vậy, ông vẫn là người có công lớn lập nên nhà Tào Ngụy. Liên quan đến Tào Tháo, một bí ẩn lớn mà đến nay giới khảo cổ vẫn chưa thể giải mã là nơi chôn cất của ông nằm ở đâu.
Sử sách ghi lại rằng Tào Tháo trước khi chết đã căn dặn con trai không được xây lăng mộ lớn cho ông. Nguyên do được cho là vì Tào Tháo biết được đã 'đắc tội' với rất nhiều người. Sau khi qua đời, nhiều kẻ thù sẽ tìm cách đập phá lăng mộ, hủy hoại thi hài của ông để trả thù.
Thế nhưng, con trai của Tào Tháo là Tào Phi đã không nghe theo lời dặn dò của cha. Sau khi cha chết, Tào Phi kế thừa sự nghiệp của Tào Tháo và lập nên nhà Ngụy. Theo đó, ông cho người xây dựng một khu lăng mộ vô cùng hoành tráng để tôn thờ và tỏ lòng hiếu kính với phụ vương. Các chuyên gia suy đoán, do lo sợ khu lăng mộ có thể trở thành mục tiêu phá hoại của những kẻ bất kính hoặc cướp, nên Tào Phi đã cho san phẳng những công trình nổi trên mặt đất.
Tương truyền, vào ngày an táng Tào Tháo, Tào Phi cho chuẩn bị 72 cỗ quan tài và đồng loạt đưa ra khỏi thành từ 4 hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc. Điều này khiến dân chúng, đặc biệt là kẻ thù của Tào Tháo không biết đâu mới là quan tài chứa thật.
Sau khi ra khỏi thành, 72 cỗ quan tài được chôn cất ở những địa điểm khác nhau. Vậy nên, chỉ có Tào Phi và người thân mới biết Tào Tháo được chôn cất ở đâu. Trong suốt nhiều năm, không ít kẻ trộm mộ đã tìm kiếm lăng mộ của Tào Tháo nhưng đều chỉ tìm thấy những ngôi mộ giả.
Đến năm 2008, một ngôi mộ cổ được phát hiện ở làng Xigaoxue, thành phố cổ An Dương, tỉnh Hà Nam. Các chuyên gia khảo cổ biết tới ngôi mộ này từ lời kể của một kẻ trộm mộ. Người này nói rằng đã lấy trộm phiến đá khắc dòng chữ “Ngụy Vũ Vương” – tước hiệu của Tào Tháo ở mộ cổ.
Theo đó, các chuyên gia tới lăng mộ trên và tiến hành cuộc khai quật. Nhờ đó, họ tìm thấy hài cốt của 3 người gồm: một nam giới qua đời ở độ tuổi khoảng 60, một phụ nữ khoảng 50 tuổi và người phụ nữ khác ngoài 20 tuổi. Họ suy đoán đó là hài cốt của Tào Tháo và 2 thê thiếp. Bên trong mộ cổ có hơn 250 đồ tùy táng bằng vàng, bạc, đồ gốm... Thậm chí, một số hiện vật khắc dòng chữ: “Đây là những vật mà Ngụy Vũ Vương từng sử dụng”.
Phát hiện này dẫn tới một cuộc tranh luận lớn. Bởi lẽ, nhiều chuyên gia cho rằng, các cổ vật khắc dòng chữ mô tả là những vật dụng của Tào Tháo là hết sức vô lý. Chúng giống như những hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Thêm nữa, khi còn sống, Tào Tháo muốn được chôn cất đơn giản nên việc tìm thấy nhiều đồ tùy táng giá trị trong lăng mộ là không hợp lý.
Thêm nữa, khi cử hành tang lễ cho Tào Tháo, Tào Phi có nói: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga”. Câu nói này có nghĩa là đưa thi hài Tào Tháo đến vùng núi chôn cất. Thế nhưng, lăng mộ phát hiện ở An Dương là ở khu vực đồng bằng. Từ đó, các chuyên gia cho rằng, đây không phải mộ thật của Tào Tháo. Vậy nên, nhiều chuyên gia tiếp tục cuộc tìm kiếm vị trí lăng mộ thật của Tào Tháo.
Mời độc giả xem video: Khai quật mộ Tào Tháo, bất ngờ thân phận 2 phụ nữ chôn cùng.