Vì sao tạm dừng trả tiền điện mặt trời mái nhà?
Nhiều chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Vũng Tàu phản ánh từ tháng 3-2022 đến nay họ bị Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng trả tiền điện theo hợp đồng như thường lệ. Vì sao có chuyện này?
Ông Nguyễn Nhật Minh - giám đốc Công ty cổ phần Máy tính Sài Gòn - cho biết tháng 12-2020, công ty ông có ký hợp đồng bán điện mặt trời mái nhà với đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho lãnh đạo Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhưng từ tháng 4-2022, phía điện lực thông báo tạm ngưng trả tiền điện từ tháng 3-2022 và từ tháng này tạm ngưng cung cấp chỉ số điện. Đồng thời yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, xây dựng và môi trường.
Ngày 26-5, ông Trần Thanh Hải, phó giám đốc Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc ra thông báo nói trên là thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư bị tạm ngưng trả tiền như trường hợp của Công ty cổ phần Máy tính Sài Gòn.
Ngành điện yêu cầu các chủ đầu tư điện mặt trời áp mái bổ sung các hồ sơ chuyên môn theo quy định. Khi các nhà đầu tư bổ sung đủ hay có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền thì điện lực sẽ trả tiền.
Ông Nguyễn Nhật Minh cho biết thêm công ty của ông đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên các công trình nhà xưởng, kho bãi có sẵn của một doanh nghiệp dầu khí. Dự án của công ty thuộc diện không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được miễn đăng ký môi trường.
Việc bên mua điện áp dụng trường hợp của công ty ông như những trường hợp đầu tư khác là không hợp lý. Khi hỏi về thủ tục thì được trả lời "chung chung", không có hướng dẫn cụ thể để đáp ứng. Đồng thời công ty này cũng gửi công văn lên Sở Tài nguyên và môi trường để được hướng dẫn.
Về việc làm điện mặt trời áp mái nhà có phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hay không, ông Đặng Sơn Hải - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhà, ngoài tiêu chí về quy mô, loại hình thì phải xem dự án điện mặt trời đó có làm thay đổi nội dung đầu tư của dự án có nhà máy, nhà xưởng, kho bãi (để điện mặt trời áp mái) hay không.
Theo ông Hải, nếu dự án điện áp mái trên những nhà xưởng, kho bãi đã có sẵn, không làm thay đổi mức đầu tư nhà xưởng, kho bãi thì không phải làm báo cáo đánh giá tác động, giấy phép môi trường. Nhưng phía quản lý dự án đầu tư phải có ý kiến trước thì ngành môi trường mới có ý kiến.
Về việc này, ông Trần Thanh Hải cho biết nếu các sở, ngành chức năng có văn bản trả lời, hướng dẫn cho ngành điện biết để áp dụng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà thì sẽ phân loại ra để yêu cầu. Nhưng hiện tại chưa có hướng dẫn nên phía điện lực phải yêu cầu chung cho các dự án điện mặt trời mái nhà.
Ông Hải khẳng định khi có hướng dẫn, trả lời của ngành chức năng, ngành điện sẽ triển khai ngay để trả tiền hay tiếp tục yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Trong khi chờ được hướng dẫn giải quyết và chưa được thanh toán tiền, những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái rất lo lắng vì tiền làm dự án vay của ngân hàng phải trả hằng tháng.
Đầm nước ngọt An Khê được Hội đồng Di sản quốc gia đề nghị bổ sung vào danh sách di chỉ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, nhưng hai nhà đầu tư vừa đề xuất làm dự án điện mặt trời ngay trên mặt đầm.