Vì sao sau ngày 25-8 vẫn chưa xử phạt hộ gia đình không phân loại rác?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết từ ngày 25-8 nghị định 45 có hiệu lực, tuy nhiên vẫn chưa tiến hành xử phạt các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải tại nguồn.
Ngày 21-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh - cho biết đơn vị này đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại rác thải rắn sinh hoạt (rác thải). Sau đó Bộ Tài nguyên và môi trường mới ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác để từ đó các địa phương trên cả nước xây dựng chi tiết.
Ông Thịnh cho biết lộ trình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31-12-2024). Ngày 25-8 tới dù nghị định 45 có hiệu lực nhưng chưa phải là thời điểm để xử phạt.
"Nghị định 45 có hiệu lực chứ không phải thời gian để áp dụng cũng giống như Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 nhưng để thực hiện luật phải có lộ trình. Quy định về phân loại rác tại nguồn đối với các hộ gia đình, cá nhân cũng vậy", ông Thịnh lý giải.
Trước đó ngày 20-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , một số Sở Tài nguyên và môi trường cho biết đang chờ Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác và khẳng định đến ngày 25-8 vẫn chưa tiến hành xử phạt các hộ gia đình không phân loại rác thải.
Theo tìm hiểu của phóng viên nhiều địa phương trên cả nước đã thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tuy nhiên kết quả chưa cao do chưa đồng bộ, liền mạch từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý...
Nhiều chuyên gia cho biết cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân có ý thức hơn nữa trong bảo vệ môi trường và xem rác thải như một nguồn tài nguyên. Bởi nếu phân loại tại nguồn được thực hiện đồng bộ thì rác sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành khác như: điện, nguyên vật liệu tái chế, phân bón…
Nghị định 45 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8. Tuy nhiên Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định phân loại rác từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thực hiện chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Khởi công vào cuối 2019 nhưng các dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Tương tự, tại Hà Nội cũng chung cảnh ngộ.