Vì sao sau 4 năm Daniel Zhang nắm quyền, giá trị thị trường của Alibaba chỉ còn một nửa?

Chia sẻ Facebook
22/06/2023 13:59:34

VietTimes – Từ ngày 10/9, ông Trương Dũng (Daniel Zhang) sẽ thôi giữ chức Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn. Ông sẽ chỉ giữ chức Chủ tịch và CEO của Alibaba Cloud và chỉ tập trung vào phát triển nhánh này.

4 năm trước đây, khi trao quyền cho Trương Dũng, có lẽ Jack Ma không nghĩ đến lại có ngày hôm nay (Ảnh: Sina)
4 năm trước đây, khi trao quyền cho Trương Dũng, có lẽ Jack Ma không nghĩ đến lại có ngày hôm nay (Ảnh: Sina)


"Jack Ma (Mã Vân) từng nói, làm CEO cần phải chuẩn bị đi xuống địa ngục. Trở thành một CEO là một việc khó khăn", Trương Dũng đã nói đùa như thế khi ông đảm nhận vị trí CEO của Alibaba 8 năm trước. Theo logic này, khi giữ chức Chủ tịch HĐQT của tập đoàn vào năm 2019, ông có thể đã chạm đến vực sâu của địa ngục. Bây giờ gánh nặng trên vai đã được trút bỏ, có thể coi như thoát ra khỏi "địa ngục".

Có hai người kế nhiệm Trương Dũng, một là Joseph Tsai (Thái Sùng Tín) sẽ giữ chức Chủ tịch của tập đoàn, người còn lại là Wu Yongming (Ngô Vĩnh Minh) người sẽ tiếp nhận vị trí CEO.


Thái Sùng Tín được biết đến là đối tác trung thành nhất của Jack Ma và cùng với Jack Ma là đối tác suốt đời của Alibaba. Ngô Vĩnh Minh là Chủ tịch hiện tại của Taotian Group, được biết đến là lập trình viên đầu tiên của Alibaba, là một trong những công thần đi theo Jack Ma từ những ngày đầu, cũng là thành viên sáng lập của Taobao, Alipay.

Trương Dũng (giữa) chuyển giao quyền lực cho Thái Sùng Tín (phải) và Ngô Vĩnh Minh (Ảnh: QQ)

Tại sao Thái Sùng Tín và Ngô Vĩnh Minh được lựa chọn? Alibaba giải thích rằng tập đoàn cần hỗ trợ các nhóm kinh doanh khác nhau phát triển, muốn trở thành người khám phá và thúc đẩy các công nghệ mới. Hai người này có tầm nhìn, kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng và sức hấp dẫn tương ứng. Trên thực tế, khi các thành viên HĐQT 6 công ty con của Alibaba được xác nhận, việc Trương Dũng từ chức là điều không thể tránh khỏi.

Jack Ma từng rất tin tưởng khi trao quyền cho Trương Dũng (Ảnh: QQ)

Người “dị biệt” làm thay đổi “mùi vị” của Alibaba

Đối với nhân viên của Alibaba, Trương Dũng là một "dị nhân": đầu tóc không bù xù, luôn mặc áo sơ mi cùng vest và giày da, luôn là người tránh xa tin đồn. Nhiều người trong cuộc và những người quan sát Alibaba đã nói Trương Dũng giống như một miếng ngọc ấm áp so với Jack Ma, người có "tính cách như lửa". Một số người trong cuộc cũng cho rằng, quá lý trí đã trở thành rào cản lớn nhất để Trương Dũng tiếp quản Alibaba.

Lý do cốt lõi khiến Trương Dũng giống như một kẻ ngoại đạo ở Alibaba là, Alibaba là một trường hợp khác biệt trong ngành Internet Trung Quốc.

Vệ Triết, người từng là CEO của Alibaba, từng công khai tuyên bố rằng Alibaba gần như đã lật đổ những giá trị mà ông đã kiên trì theo đuổi với tư cách là một nhà quản lý chuyên nghiệp trong nhiều năm. Ở Alibaba, cổ đông chỉ đứng thứ ba, còn hai vị trí đầu tiên là khách hàng và nhân viên. “Chúng tôi không hứng thú với lợi nhuận. Công ty có thể họp ở bất cứ đâu, ven Tây Hồ, trên mái nhà, trong đạo quán, trong chùa miếu, nơi nào linh khí tốt thì họp; uống trà, ăn hạt hướng dương, để chân trần, nhảy múa trên mặt bàn đều không thành vấn đề", ông tiết lộ.

Thế nhưng, trước khi trở thành Jack Ma tiếp theo, Trương Dũng đầu tiên phải đảm bảo phải tạo được dấu ấn riêng. Lựa chọn như vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi phải tiếp quản một công ty đồ sộ từ một thiên tài, nhiệm vụ đầu tiên phải là phát triển ổn định.

Trong khoảng thời gian đầu, Trương Dũng đã không gây thất vọng. Khi tiếp quản ngày sự kiện mua sắm “11/11” đầu tiên của Alibaba, Trương Dũng đã tạo nên con số đáng kinh ngạc 268,4 tỉ NDT, bỏ xa các đối thủ khác. Chỉ một tháng sau, Alibaba lên sàn Hong Kong lần thứ hai, Trương Dũng đứng giữa sân khấu kêu lớn : "Hong Kong, chúng tôi đã trở lại".

Báo chí Trung Quốc từng ca ngợi lựa chọn Trương Dũng làm người kế vị là quyết định đúng đắn nhất của Jack Ma (Ảnh: Zhihu).

Tuy nhiên, những thách thức cũng ập tới sau đó. Đại dịch COVID-19 đã khiến sự phát triển của Alibaba ở Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Hoa Kỳ dừng lại đột ngột và nó gần như không bao giờ được cải thiện nữa. Pinduoduo đã phát triển nhanh chóng, JD.com đã phát triển ổn định và nền tảng thương mại điện tử của Alibaba đã bị tấn công.

Nhiều năm trước, Trương Dũng được biết đến là giám đốc điều hành "có mùi vị Alibaba" nhất, nhưng chính vị giám đốc này đã khiến Alibaba thay đổi mùi vị.

“Mùi vị Alibaba” là gì? Một quản lý nội bộ của Alibaba giải thích: "Nó liên quan mật thiết đến các giá trị văn hóa, nhưng không phải là thứ có thể sờ mó, chạm đến được. Thông qua một số vấn đề đơn giản, có thể đánh giá thực chất nhân viên và hệ thống Alibaba còn có vị giống nhau hay không".

Một nhân viên tầm trung của Alibaba giải thích đơn giản hơn, “mùi vị Alibaba có nghĩa là giữ vững các giá trị của nó".

Năm 2020, Tưởng Phàm, từng được biết đến là người thứ ba trong hệ thống quyền lực của Alibaba, bị phanh phui ngoại tình với KOL Trương Đại Dịch. Kết quả xử lý vụ việc là ông đã bị hủy bỏ tư cách là đối tác của Alibaba, bị giáng chức, bị hạ cấp bậc và tất cả các phần thưởng cho năm tài chính trước đó đều bị cắt. Sau đó, Tưởng Phàm bị điều chuyển ra nước ngoài, nhưng anh ta vẫn luôn ở trung tâm quyền lực của Alibaba.

Chính Trương Dũng đã đưa ra quyết định này, gây ra sự bất bình của một số nhân viên và các cuộc thảo luận về các giá trị của Alibaba diễn ra tràn lan. Sau đó, hàng loạt bê bối như sự cố như thi hộ và nghi ngờ tấn công tình dục xảy ra với Alibaba gây chấn động khắp cả nước.

Một số người khi trao đổi riêng nói rằng đằng sau những vụ việc này là văn hóa kiểu mỏm núi của Alibaba và một số doanh nghiệp mới nổi đang trong thời kỳ phát triển nhanh: “Họ không quan tâm nhiều đến các quy tắc/giá trị, hoặc họ không có sự hiểu biết nhất quán về các giá trị”.

Sau 4 năm Trương Dũng nắm quyền lãnh đạo, giá trị thị trường của Alibaba chỉ còn một nửa

"Chữ Tín nên là trọng tâm của các công ty bán lẻ. Tuy nhiên, một số nhân vật quan trọng đến mức công ty không muốn họ chuyển đến các công ty khác để trở thành đối thủ. Đồng thời, nhiều định dạng kinh doanh mới của Alibaba không liên quan trực tiếp đến bán lẻ, và những bộ phận này không hiểu quan niệm về đạo đức và giá trị của ngành kinh doanh bán lẻ”, một nhân viên của Alibaba nói với QQ.

Các lớp bồi dưỡng về quan niệm giá trị “Alibaba trăm năm” dành cho nhân viên mới từng tổ chức hơn 2.000 buổi đã bị hủy bỏ; sự kiện văn hóa “Ngày hội Alibaba” được tổ chức vào ngày 10/5 hàng năm không còn do tập đoàn tổ chức thống nhất, mà do mỗi doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và các doanh nghiệp con cũng được phép có những giá trị riêng.

Trương Dũng vừa tập quyền vừa phân quyền

“Một số người trong nội bộ cho rằng đối thủ số một là Pinduoduo, nhưng những người khác lại cho rằng đối thủ đáng để tâm nhất là Meituan”, một lãnh đạo tầm trung của Alibaba tiết lộ với QQ. Theo quan điểm của ông, Alibaba không rõ ràng về đối thủ cạnh tranh số một vì Trương Dũng không có sức ảnh hưởng lớn như Jack Ma.

Vào tháng 9/2014, Alibaba đã lên sàn tại Mỹ. Trước khi lên sàn, công ty thương mại điện tử này đã thực hiện các khoản đầu tư và mua lại điên cuồng, tuy được định giá cao nhưng bên trong cũng có nhiều lục đục.

Trương Dũng lúc đầu đã cố gắng tập trung quyền lực. Xuất thân là tài vụ, ông để mắt đầu tiên đến bộ phận đầu tư chiến lược của Alibaba. Thời điểm đó, tất cả các bộ phận đầu tư nằm rải rác trong các đơn vị kinh doanh khác nhau (ngoại trừ bộ phận đầu tư chiến lược của Ant Financial) đều đặt dưới sự quản lý thống nhất của bộ phận đầu tư của tập đoàn, chẳng hạn như bộ phận đầu tư của Ele.me, Cainiao, Ali Health và Ali Pictures.

Nhưng ngoài đầu tư, ở cấp độ kinh doanh, Trương Dũng lại chọn tiếp tục phân cấp quyền lực trong tay. Cuối năm 2019, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu tổ chức của Alibaba, số lượng CEO báo cáo trực tiếp với Trương Dũng đã giảm đi và một phần quyền lực được phân bổ cho Tưởng Phàm và Đới San, hai người này được phân quyền quản lý một số nghiệp vụ.

Cuối năm 2021, Alibaba lại bổ sung 4 “Đại tổng tài” được gọi là “cấp 0,5”, với quyền hạn nằm giữa Trương Dũng và gần 20 lãnh đạo cấp dưới, cụ thể là Đới San của Kinh doanh kỹ thuật số, Trương Kiến Phong của Kinh doanh đám mây, Vu Vĩnh Phúc của Cuộc sống địa phương và Tưởng Phàm của Thương mại số ở nước ngoài.

Alibaba đang tiến hành cải tổ mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.

Chia 1 thành 6

Bước tiếp theo là sự chia tách “1 thành 6” mới đây. Trương Dũng thẳng thừng từ bỏ quyền quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp con ngoại trừ Alibaba Cloud, triệt để từ bỏ quyền lực trong tay.

Một nhà quan sát thông thạo Alibaba từng phân tích rằng lý do cốt lõi khiến Trương Dũng từ bỏ quyền lực là ông ta không có lực lượng thực sự của riêng mình. “Thời Jack Ma, dù Alibaba thiên biến vạn hóa thế nào, ‘Trung Cung Thiết Quân’ luôn là những công huân trung thành tuyệt đối với ông. Trương Dũng cũng cần tìm kiếm một đội ngũ trung thành của riêng mình", người này cho hay.

Trương Dũng đã từng đặt cược vào ngoại tuyến, một "hệ thống điều hành thương mại" các dịch vụ cuộc sống địa phương.

Trương Dũng tiếp quản công việc kinh doanh ngoại tuyến từ rất sớm: khi Alibaba đầu tư 22,4 tỉ đô la Hong Kong vào Sun Art Retail Group năm 2017, Chủ tịch RT-Mart Hoàng Minh Đoan thậm chí còn không gặp Jack Ma. Khi mua Ele.me với giá 9,5 tỉ USD, Trương Dũng và Jack Ma đã hoàn tất thương vụ mua lại chỉ bằng một cuộc điện thoại.

Vào thời điểm đó, Trương Dũng thậm chí còn có thể huy động một đội ngũ đã không còn thuộc về mình, như trong cuộc cải cách và nâng cấp quy mô lớn Alipay, các dịch vụ như giao đồ ăn, ăn uống/vui chơi, khách sạn, phim và dịch vụ cuộc sống đều được ưu tiên.

Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng đã thất bại. Kỷ nguyên của Trương Dũng kết thúc do một vụ tấn công tình dục đột ngột xảy ra. Lý Vĩnh Hòa, cấp dưới quyền lực nhất của Trương Dũng trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tuyến, đã phải nhận lỗi và từ chức. Khi đó Lý đã trở thành Chủ tịch tập đoàn HRBG (Đồng Thành bán lẻ), CEO công ty Ali Local Life.

Lý Vĩnh Hòa (trái) dính vào vụ bê bối xâm hại tình dục gây nên cơn bão ở Alibaba  (Ảnh: Dongfang).

Sau 4 năm, giá trị thị trường của Alibaba giảm một nửa

Ngày 10/9 tới đây, Trương Dũng sẽ chính thức chuyển giao quyền lực, không biết liệu ông có rơi nước mắt như khi Jack Ma nghỉ hưu hay không?

Vào đêm chuyển giao quyền lực 4 năm trước, Jack Ma 55 tuổi và Alibaba 20 tuổi. Một chi tiết đáng chú ý, đêm đó, khi Trương Dũng bắt đầu bài phát biểu của mình sau Jack Ma, ánh sáng trong hội trường bỗng tối hẳn đi. Đó không phải vì Jack Ma có hào quang của riêng ông mà do số lượng người giơ điện thoại di động để quay video nhanh chóng giảm xuống.

Khi đó, thứ mà Jack Ma trao lại cho Trương Dũng là một công ty khổng lồ, Alibaba đã đạt đến đỉnh cao, có quan niệm giá trị đã chín, hệ thống nhân tài hoàn hảo, mấy trăm triệu khách hàng, một doanh nghiệp hoàn hảo khép kín và giá trị thị trường là 400 tỉ USD. 4 năm sau, những thứ này đang trải qua những thay đổi và giá trị thị trường đã giảm mất khoảng một nửa.

Bốn năm trôi qua thật nhanh, Trương Dũng có phải là người thừa kế xứng đáng của Jack Ma? Có lẽ cần được quan sát trong một khoảng thời gian dài hơn.


Theo QQ

Chia sẻ Facebook