Vì sao sau 10 ngày mưa lớn, người dân quận Tây Hồ vẫn phải đi thuyền về nhà?
‘Ngập đã 10 ngày rồi mà nước vẫn chưa rút hết. Tình trạng này diễn ra từ năm 2011 đến nay, chúng tôi khổ quá. Người dân vô cùng bức xúc, đã kiến nghị, gửi đơn đến nhiều cấp nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp để khắc phục'.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , bà Đỗ Thị Phượng (tổ 12, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết thông tin trên.
"Sống ở thủ đô mà chẳng khác gì làng chài ven sông"
Trưa 5-6, ghi nhận tại khu vực phường Tứ Liên cho thấy dù nước đã rút bớt nhưng vẫn còn nhiều điểm ngập cao quá đầu gối. Nước ngập lâu ngày đã ngả màu đen kịt, đầy rong rêu, nồng mùi hôi thối.
Ông Đỗ Văn Yến (64 tuổi, phường Tứ Liên) bức xúc: "Một, hai hôm nữa nước tiếp tục đóng váng, bốc mùi hôi thối không thể chịu được. Chúng tôi là người sinh ra, lớn lên ở làng Tứ Liên, chứng kiến 11 năm nay mưa lớn là ngập. Người dân gửi đơn thư đến nhiều cấp nhưng vẫn không thấy xử lý. Sau khi nước rút hết là ổ ruồi, muỗi...".
Theo ông Yến, nguyên nhân dẫn đến ngập úng diện rộng là do lòng hồ Tứ Liên nhiều năm chưa được cải tạo, khiến nước không thể tiêu thoát. Ngoài ra trên địa bàn xuất hiện nhiều dự án bất động sản làm nước hồ Tứ Liên không thể thoát ra hồ Tây.
Bà Đinh Thị Liên (65 tuổi, phường Tứ Liên) cho biết trong suốt 11 năm qua, cứ mưa lớn gia đình bà phải be bờ trước cửa nhà ngăn nước ngập. "Có mưa lớn lại ngập thế này khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Như trận mưa cuối tháng 5 vừa rồi, ngập sâu còn không thể ra ngoài mua đồ ăn. Sống giữa thủ đô mà chẳng khác gì làng chài ven sông", bà Liên nói.
Cũng theo bà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nặng là do hồ Tứ Liên không được cải tạo thường xuyên, khiến cứ sau mỗi trận mưa nước lại dâng vào khu dân cư.
Khổ nhất là trẻ em, người già
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết tình trạng cứ mưa lớn là lại ngập úng tại khu vực này đã xảy ra từ lâu. Theo ông, cách đây mấy năm, Hà Nội chấp thuận cho một công ty hỗ trợ giải pháp nạo vét hồ Tứ Liên. Nhưng sau đó công ty này không thực hiện như cam kết và không có động thái nạo vét lòng hồ.
"Hiện chúng tôi đã xin kinh phí bằng ngân sách quận để thực hiện các biện pháp chống ngập tại đây, không trông chờ vào công ty này nữa. Khoảng quý 3-2022, chúng tôi sẽ khởi công dự án nạo vét hồ Tứ Liên. Đây là giải pháp lâu dài và khi hoàn tất chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng", ông Khuyến khẳng định.
Theo ông Khuyến, do hồ Tứ Liên bị ách tắc không có đường thoát, khi trời mưa, nước sẽ dâng lên cao tràn vào khu dân cư. Sắp tới sẽ làm cống thoát nước để dẫn từ hồ Tứ Liên chảy sang hồ Tây", ông Khuyến nói.
Về các giải pháp chống ngập trước mắt, quận Tây Hồ đang bố trí các máy bơm công suất lớn tại hồ Tứ Liên để tiêu, thoát nước. Khi nước rút, ngành y tế quận Tây Hồ cũng sẽ vào cuộc để xử lý môi trường sống tại khu dân cư này. "Sang tuần chúng tôi sẽ cho y tế sát trùng, khử khuẩn nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân...", chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói.
Trong lúc chờ chính quyền địa phương tìm cách chống ngập úng, hơn 100 hộ dân cực chẳng đã vẫn phải sống chung với ngập lụt dù ở thủ đô.
"Mỗi lần bị ngập khổ nhất là trẻ em, người già, muốn ra ngoài phải có sự hỗ trợ của người thân. Người dân mong chính quyền địa phương sớm nạo vét lòng hồ Tứ Liên, đồng thời nhanh chóng đầu tư hệ thống thoát nước ở khu vực này, bởi chúng tôi đã chờ đợi mòn mỏi trong suốt 11 năm qua", ông Ngô Sỹ Hùng (phường Tứ Liên) nói.
Dưới đây là hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận trưa 5-6:
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết nếu trạm bơm tiêu Yên Nghĩa hoạt động hết công suất thì sẽ chống ngập, úng nhiều quận, huyện phía tây nam TP. Vì sao ngày Hà Nội mưa lịch sử nhưng trạm bơm này lại ‘không hoạt động hết công suất’?