Vì sao Quan Âm tìm 4 đồ đệ đều ph.ạm l.uật trời cho Đường Tăng?

Chia sẻ Facebook
09/11/2023 03:18:52

Với những khán giả từng xem phim "Tây Du Ký", chắc hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh thầy trò Đường Tăng băng rừng, lội suối, vượt qua bao nhiêu thử thách để đến Tây Thiên thỉnh kinh. Trong đó, các đệ tử của Đường Tăng gồm: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới (Trư Ngộ Năng), Sa Tăng (Sa Ngộ Tĩnh), Bạch Long Mã. 

Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng Tây Du Ký vẫn là bộ phim "huyền thoại" trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Đặc biệt, những chi tiết ý nghĩa được cài cắm trong phim càng khiến nhiều người phải bất ngờ.

Đáng nói, cả 4 người này đều phạm phải luật trời và được Quan Âm "chỉ điểm" trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh. Quán Thế Âm đã giáo hóa và dặn họ đợi Đường Tăng đi qua sau đó phò tá sư phụ tới Tây thiên lấy kinh.

Điều này khiến nhiều người thắc mắc, tại sao Quan Âm lại chọn những kẻ cứng đầu, từng phạm tội để đi theo Đường Tăng? Điều này chẳng phải sẽ khiến con đường đi Thỉnh kinh càng trở nên khó khăn hơn hay sao? Để lý giải cho điều này, có lẽ phải xét đến cái tên được đặt đầy dụng ý của họ.

Theo đó, cả bốn đồ đệ của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh, Trư Ngộ Năng và Ngộ Ký (tức Bạch Long Mã) đều có chung một chữ “Ngộ”. Theo quan điểm trong Phật giáo, "Ngộ" có nghĩa là “Giác Ngộ" - một điều tối quan trọng đối với người tu luyện.

Ngoài ra, "Ngộ" còn bao gồm cả sự lĩnh hội về pháp lý mà sư phụ đã chỉ dạy, có thể nhận thức mọi thứ theo cái nhìn của một người tu luyện, hiểu biết về những mối quan hệ trong xã hội, gia đình, cũng như nhận thức về nghiệp bệnh và ma nạn mà người đó phải trải qua.

Trong khi đó, chữ “Không” trong Tôn Ngộ Không có nghĩa là xả bỏ tất cả tâm chấp trước và dục vọng. Tôn Ngộ Không là vốn chỉ là con khỉ sinh ra từ một hòn đá, được Bồ Đề Tổ Sư thu nhận và dạy dỗ, truyền cho 72 phép thần thông quảng đại. Sau khi nổi loạn ở thủy cung, địa cung và thiên cung, Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ giam cầm dưới ngọn núi Ngũ hành suốt 500 năm mới được giải thoát để đi theo Đường Tăng.

Chữ “Năng” trong Trư Ngộ Năng lại nói đến những tâm tính bản năng, tính tham và dục: tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Cũng chính vì thế nên chí giới của Trư Ngộ Năng phải bắt buộc là đinh ba, cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người.

Chữ “Tĩnh” trong Sa Ngộ Tĩnh là nói về tâm thanh tịnh và trong sạch, mang ý nghĩa loại trừ đi nhân tâm. Tĩnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tĩnh để mà kham nhẫn, chịu đựng. Trước đó ở Thiên Đình, Sa Tăng là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình, chỉ vì nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly mà bị Ngọc Hoàng đày xuống làm yêu quái ở Lưu Sa Hà nơi hạ giới.

Chữ Ký trong Ngộ Ký là chạm trổ trên chữ Ngộ, thể hiện vai trò phò giá trên con đường đi tìm chân lý. Bạch Long Mã chính là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Vương, vì đốt cháy món quà cưới được Ngọc Hoàng ban tặng nên đã bị giam giữ. Khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Bạch Long Mã là chú ngựa thần có xác thân cương kiện, cùng sư huynh chiến đấu yêu quái và sau đó còn bảo vệ hành lý khi Sa Tăng bị bắt.

Sau khi thu nhận các đệ tử, Đường Tăng đều ban pháp danh cho họ: Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh, Trư Ngộ Năng và Ngộ Ký (tức Bạch Long Mã). Khi kết hợp những pháp danh này lại với nhau, có thể thấy được thông điệp về sự giác ngộ thoát khỏi “tham, sân, si” trong bản chất con người, đối mặt với khuyết điểm trong lòng và sửa chữa chúng, đạt được mục tiêu hợp nhất thân tâm.

Đặc biệt, hình ảnh kết hợp của thầy trò Đường Tăng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho chí tu hành, quyết vượt qua bao nhiêu khó khăn để đạt tới thành công. Đó cũng chính là quá trình mà họ phải vượt qua để đến được Tây thiên thỉnh chân kinh.

Bộ phim Tây du ký bấm máy năm 1982, quay trong 6 năm và được công chiếu lần đầu vào năm 1986. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên chính gồm Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa, Tả Đại Phân... Đây là tác phẩm giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc (hơn 3000 lần) nhờ đậm giá trị nội dung, nghệ thuật. Đến nay, bộ phim vẫn có sức sống lâu bền, hấp dẫn với nhiều thế hệ.

Theo giới chuyên môn, Tây du ký 1986 là phiên bản kinh điển nhất trong tất cả những tác phẩm kể cả điện ảnh lẫn truyền hình Hoa ngữ về hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng.

Ngoài vai diễn Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng, vai diễn Quan Thế Âm Bồ Tát của diễn viên Tả Đại Phân cũng được coi là kinh điển khó ai có thể vượt qua được. Với gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, Tả Đại Phân được báo chí Trung Quốc ví von là "Bồ Tát hiển linh".

Cách đây không lâu, một trong những thành viên trong ê-kíp làm phim đã kể lại câu chuyện về Quan Thế Âm Bồ Tát khiến nhiều người sởn gai ốc.

Cụ thể, mỗi lần ê-kíp quay phim vào ngày mưa thì đều bị tạm dừng nhưng kỳ lạ thay khi "Bồ Tát" Tả Đại Phân xuất hiện thì mưa ngừng tạnh, trời hửng nắng. Ban đầu, họ nghĩ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thế nhưng sự việc này thường xuyên xảy ra và lặp đi lặp lại khiến mọi người phải nhìn nhau kinh ngạc. Đáng nói, diễn viên đóng vai Bồ Tát còn gây được ấn tượng mạnh khi nhiều người dân lầm tưởng là Bồ Tát thật.

Chuyện kể lại, có một lần Tả Đại Phân giữ nguyên trang phục Bồ Tát đến một ngôi chùa để lột tả rõ được hình ảnh của vai diễn, khi bà xuất hiện, nhiều người hành hương đã tưởng rằng bà là Bồ Tát sống nên đã cúi đầu quỳ lạy khiến Tả Đại Phân lúng túng ra sức giải thích. Mặc dù vậy, dân chúng khi nhìn thấy bà đã dành tặng nhiều quà tặng và sự ngưỡng mộ.

Thậm chí có gia đình đã lấy ảnh của bà mặc trang phục Quan Thế Âm Bồ Tát để thờ mặc cho nữ diễn viên nhất quyết không đồng ý, nhưng gia đình này cứ khăng khăng cho rằng đây là Quan Thế Âm Bồ Tát và họ đã thờ cả chục năm qua.

Cuối cùng, Tả Đại Phân không thể thuyết phục được và đành cúi lạy "A Di Đà Phật", sau đó đi như chạy. “Với những chuyện dở khóc dở cười thế này, tôi chỉ biết im lặng. Phải nói rằng đời người diễn viên được một lần hóa thân thành vai như thế thì không còn mong cầu gì hơn”, bà từng chia sẻ.

Sau khi Tây du ký 1986 đóng máy, Tả Đại Phân gặp nhiều câu chuyện ly kỳ mà theo bà đó là nhân duyên khiến bà ăn chay trường, không kết hôn và trở thành Phật tử. “Đời người nhiều lúc phong ba bão tố là điều khó tránh, tôi cũng có những nỗi niềm riêng khó giãi bày. Dẫu vậy, tôi nghĩ mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn, bình yên ở tuổi già. Giờ cũng chỉ mong có thể sống an lạc, bình an thế này cho đến khi được Phật gọi đi”, nữ diễn viên trải lòng.

Dù đạt được thành công khi tham gia Tây du ký 1986, bà không tiếp tục đóng bất kỳ bộ phim nào nữa. Nói về điều này, nữ diễn viên cho hay, bà nghĩ có lẽ sẽ chẳng ai chấp nhận được hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân vào các vai diễn khác. Tả Đại Phân muốn giữ cho tưởng tượng của khán giả về hình ảnh Bồ Tát cứ long lanh và mầu nhiệm như trong phim.

Hiện tại, Tả Đại Phân đã nghỉ hưu và sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ, thỉnh thoảng dạy các cháu cùng xóm diễn kịch như một niềm vui tuổi già.

Chia sẻ Facebook