Vì sao phương Tây khó áp giá trần với dầu Nga?

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 22:32:10

Các quốc gia G7 thống nhất nghiên cứu cách áp giá trần với dầu khí Nga, với mục đích hạn chế khả năng Moscow tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vì sao phương Tây khó áp giá trần với dầu Nga?

Các lãnh đạo G7, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, sẽ lợi cả đôi đường, cho rằng biện pháp này sẽ hạn chế mức giá mà Nga bán được, đồng thời vẫn cho phép người tiêu dùng phương Tây tiếp cận nguồn cung.

Trước đây, một cơ chế tương tự từng được thiết lập trong chương trình dầu đổi thực phẩm, do Liên Hợp quốc (UN) thực hiện năm 1995 với Iraq.

Đây là sáng kiến do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khởi xướng để vừa đáp ứng nhu cầu của dân thường Iraq, vừa ngăn chính quyền Saddam Hussein củng cố quân sự.

Theo đó, bên mua dầu trả tiền vào một tài khoản của ngân hàng BNP Paribas. Số tiền này sẽ được sử dụng để bồi thường chiến tranh cho Kuwait và chi trả cho các hoạt động của UN tại Iraq. Ngoài ra, Iraq sẽ được phép mua các mặt hàng giới hạn với phần tiền còn lại. Dù vậy, chương trình này kém hiệu quả vì tham nhũng.

Lúc đó, Liên Hợp quốc thống nhất áp dụng biện pháp này với chính quyền Saddam Hussein. Trong khi đó, hiện tại, cơ quan này lại chia rẽ với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan nằm trong nhóm 35 nước từ chối chỉ trích Nga vì vấn đề Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ còn là những quốc gia mua dầu Nga mạnh nhất khi châu Âu giảm nhập khẩu.

Quan chức phương Tây cho biết họ chỉ muốn Nga bán được dầu ở mức giá cao hơn một chút so với chi phí sản xuất, nhằm đảm bảo Moscow bị giảm lợi nhuận, nhưng vẫn duy trì sản xuất.


Hiện tại, nguồn thu từ dầu khí của Nga còn cao hơn trước xung đột, nhờ giá dầu thế giới leo thang bù lại tác động của các lệnh trừng phạt. Tamas Varga tại hãng môi giới dầu PVM cho biết ý tưởng áp trần giá bán được đưa ra dựa trên thực tế rằng lệnh cấm dầu Nga đã phản tác dụng.

Tuy nhiên, việc lập nhóm mua để siết nguồn thu của Nga, đồng thời xoa dịu áp lực lạm phát từ giá dầu là điều rất thách thức. "Biến số lớn nhất là phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin", Varga cho biết.

Nếu ông Putin quyết định giảm xuất khẩu dầu hoặc khí đốt, kế hoạch sẽ lại phản tác dụng và khiến giá tăng. "Đó sẽ là kịch bản thảm họa cho cả châu Âu lẫn Nga", Varga cho biết.

Ngày 28/06, Điện Kremlin cho biết điều chỉnh hợp đồng phân phối dầu nếu các nước phương Tây triển khai áp giá trần với dầu khí từ Nga.


Với việc giá dầu Brent đang ở mức 110-120 USD một thùng, dầu Nga hiện bán rẻ hơn 30-40 USD , khiến Trung Quốc và Ấn Độ tích cực gom hàng.


"Các nước G7 muốn giảm nguồn thu của Nga và việc này đồng nghĩa phải áp giá trần thấp hơn rất nhiều mức giá hiện tại. Một số nhà hoạt động ủng hộ việc này, với lý do chi phí sản xuất của Nga thấp và Nga sẵn sàng bán dầu ở bất kỳ mức giá nào trên chi phí", Richard Mallinson tại Energy Aspects cho biết. Thậm chí, các công ty Nga chỉ cần bán ở mức 25 - 30 USD một thùng là đã có lãi.

Liệu có thể áp giá trần thông qua hợp đồng bảo hiểm vận tải?

Việc áp giá trần có thể thực hiện qua hoạt động bảo hiểm, nhà phân tích Louise Dickson từ Rystad Energy cho biết.

Người mua dầu Nga có thể được các công ty châu Âu chấp nhận bảo hiểm nếu trả tiền bằng hoặc thấp hơn mức giá trần mà G7 đưa ra. Tuy vậy, điều này sẽ va phải nhiều vật cản.

"Nga có thể phản ứng bằng cách không bán ở mức giá đó, đặc biệt nếu giá sát chi phí sản xuất", Dickson nói. "Trên thực tế, ông Putin thể hiện Nga sẵn sàng ngừng cung cấp khí đốt cho các nước EU từ chối đáp ứng yêu cầu thanh toán".

Vũ Hạo (Theo Reuters)

Chia sẻ Facebook