Vì sao ông Trần Cẩm Tú làm thường trực Ban Bí thư? - BBC News Tiếng Việt

Chia sẻ Facebook
27/10/2024 08:23:07

Vị trí thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã chứng kiến đến bốn sự thay đổi về nhân sự.

Lý do ông Trần Cẩm Tú được Bộ Chính trị chọn làm thường trực Ban Bí thư

Chụp lại hình ảnh, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú

25 tháng 10 2024

Ngày 25/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - giữ chức thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến tới nay là bốn lần thay đổi nhân sự vị trí thường trực Ban Bí thư cũng có nhiều lần thay đổi.

Ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công ông Võ Văn Thưởng giữ chức thường trực Ban Bí thư. Sau khi ông Thưởng được bầu lên làm chủ tịch nước vào 2/3/2023 thì bà Trương Thị Mai được chỉ định thay ông Thưởng ở vị trí thường trực Ban Bí thư.


Đến ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, bà Trương Thị Mai được cho thôi chức vì mắc khuyết điểm. Bộ Chính trị đã phân ông Lương Cường tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư thay cho bà Mai.


Ngày 21/10/2024, ông Lương Cường được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước . Vì vậy, Bộ Chính trị đã sớm triệu tập cuộc họp để đồng ý cho ông Cường thôi giữ chức thường trực Ban Bí thư và phân công một ủy viên Bộ Chính trị đảm đương trọng trách này.

Như vậy, ông Tú là người thứ tư sau ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Lương Cường giữ chức thường trực Ban bí thư trong khóa 13.

'Trường hợp đặc biệt' Trần Cẩm Tú

Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Cẩm Tú là người thứ tư đảm nhận chức thường trực Ban Bí thư, sau ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Lương Cường

Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ, nên tiêu chuẩn đề ra cho chức danh này cũng có những điểm tương tự các chức danh trong Tứ Trụ.

Cụ thể, để làm thường trực Ban Bí thư thì theo Quy định 214 QĐ/TW năm 2020, ngoài các tiêu chuẩn chung về tư tưởng, đạo đức, trình độ thì cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Bên cạnh đó, Quy định 214 còn đặt tiêu chuẩn cho vị trí thường trực Ban Bí thư là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".

Bộ Chính trị hiện tại là khóa đầu tiên mà ông Trần Cẩm Tú tham gia nên ông chưa thỏa mãn tiêu chí "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên".

Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu rằng Bộ Chính trị có quyền quyết "trường hợp đặc biệt" cho chức vụ này.

Phát biểu giao nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao, đồng ý việc phân công ông Trần Cẩm Tú đảm nhiệm chức danh thường trực Ban Bí thư. Có thể thấy, dù ông Tú còn thiếu một số tiêu chuẩn theo Quy định 214 nhưng ông vẫn được phân công. Đây là do Bộ Chính trị đã áp dụng thuật ngữ vạn năng "trường hợp đặc biệt".

Không chỉ ông Trần Cẩm Tú, tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng là người được Ban Chấp hành Trung ương xem xét trường hợp đặc biệt vì ông Cường cũng chưa làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên như yêu cầu đã đặt ra cho chức danh chủ tịch nước.

Trước đây, khi ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công làm thường trực Ban Bí thư thay cho bà Trương Thị Mai vào tháng 5/2024 thì ông cũng thuộc diện trường hợp đặc biệt, dù Đảng Cộng sản Việt Nam không công khai chi tiết này.

Thông báo về việc điều động nhân sự của Bộ Chính trị còn cho thấy ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Như vậy, trường hợp của ông Tú kiêm nhiệm cả hai chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là tương tự ông Trần Quốc Vượng thời điểm giữa khóa 12.

Vào 2018, ông Vượng đang là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì được Bộ Chính trị phân công giữ thêm chức thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh - người phải chữa bệnh dài hạn.

Có thể ông Tú sẽ giữ cả hai vị trí từ đây tới cuối nhiệm kỳ nhưng cũng có thể ông Tú được miễn nhiệm chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu vậy, Ban Chấp hành Trung ương phải triệu tập hội nghị để chọn người thay thế vì đây là chức danh do Trung ương Đảng bầu, không phải do Bộ Chính trị chỉ định.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem Play video, "Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt", Thời lượng 7,04 07:04 Chụp lại video, Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt

Vì sao Trần Cẩm Tú?

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí quan trọng trong hệ thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng đóng vai trò độc tôn lãnh đạo toàn diện đất nước.

Những người nắm giữ vị trí này có cơ hội lên đảm nhiệm những cương vị cao hơn trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước. Trong đó, ba trường hợp mới nhất là ông Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng và Lương Cường, sau thời gian làm thường trực Ban Bí thư, đã thăng tiến lên làm chủ tịch nước.

Trong các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường trực Ban Bí thư được xếp ngồi cùng với Tứ Trụ. Các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng Bí thư chủ trì cũng thường có thường trực Ban Bí thư.

Thường trực Ban Bí thư phải thuộc Ban Bí thư. Ông Tú lại là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị được phân công tham gia Ban Bí thư từ đầu khóa (tháng 4/2021) nên việc chọn ông cho vị trí này sẽ không gây quá nhiều xáo trộn.

Đặc biệt là khi đã có tiền lệ Trần Quốc Vượng, người giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiêm luôn chức thường trực Ban Bí thư nên Bộ Chính trị phân công ông Tú là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc ông Trần Cẩm Tú - người quê ở Hà Tĩnh - được chọn làm thường trực Ban Bí thư cũng có thể là nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong nhóm đảng viên cấp cao nhất, ở đây là trong Bộ Chính trị và Tứ Trụ.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và ba người từ quân đội.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), phân tích rằng tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an nhưng không có bằng chứng gì cho thấy những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm.

Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An- Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an.

Chụp lại hình ảnh, Bộ Chính trị khóa 13 hiện có 15 ủy viên

Nếu xét dựa trên các nhóm mà Giáo sư Thayer gợi ý thì có thể thấy việc ông Trần Cẩm Tú được phân công làm thường trực Ban Bí thư là để tạo sự cân bằng giữa các nhóm khi mỗi nhóm đều có đại diện của mình ở năm vị trí chủ chốt của đảng và nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là đại diện của nhóm công an và Hưng Yên; Chủ tịch nước Lương Cường được cho là đại diện của quân đội; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là một người có quê quán ở miền Nam; ông Trần Cẩm Tú gốc gác Hà Tĩnh được xem là đại diện cho nhóm Nghệ An-Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, ông Tú là người có nhiều kinh nghiệm khi đã tham gia Trung ương Đảng bốn khóa, gồm khóa 10 (dự khuyết), 11, 12, 13 và là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hai khóa 12 và 13.

Ông còn là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và là đại biểu Quốc hội khóa 15. Trong quá trình công tác, ông Tú từng làm bí thư tỉnh ủy Thái Bình, còn hầu hết thời gian ông đều công tác trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú

Báo chí đưa tin Bộ Chính trị "hoàn toàn tin tưởng ông Trần Cẩm Tú, một lãnh đạo cấp cao, đã được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương".

Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Chính trị, với cương vị chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tú đã "cùng tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc mới, khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng, góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua".

Ủy ban này còn có chức năng "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật và Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên".

Việc xử lý cán bộ cấp lãnh đạo cao, gồm cả các ủy viên Bộ Chính, đều dựa trên báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.


Từ đầu năm 2024 đến nay, có tới năm ủy viên Bộ Chính trị , hai trong số này thuộc Tứ Trụ, đã phải xin thôi chức vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm", theo báo cáo và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Năm người này gồm: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Chụp lại hình ảnh, Từ đầu năm 2024 đến nay, có tới năm ủy viên Bộ Chính trị, hai trong số này thuộc Tứ Trụ mắc khuyết điểm, xin thôi chức và được Đảng đồng ý

Phát biểu tại buổi lễ nhận nhiệm vụ mới, ông Trần Cẩm Tú trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Theo ông, đây là sự ghi nhận, động viên và cũng là yêu cầu đặt ra đối với cá nhân để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Cẩm Tú nhấn mạnh "đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề vào thời điểm cả nước đang tập trung nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng, đại hội đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Tú khẳng định "sẽ không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các đồng chí đi trước để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Đảng và nhân dân".

Ông Trần Cẩm Tú mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị ông Trần Cẩm Tú nhanh chóng tiếp cận và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của thường trực Ban Bí thư. Trước mắt, ông Tú sẽ tập trung chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng.

Chia sẻ Facebook