Vì sao nói rằng: ‘Kẻ sĩ ba ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác’?
Tư tưởng của con người đều theo nguyên tắc: cái gì tiến nhập vào trước thì sẽ trở thành chủ, một khi hình thành quan niệm rồi sẽ rất khó cải biến. Nếu một người luôn dùng ánh mắt của quá khứ đi nhìn người khác, thì sẽ không tránh được những phán đoán sai lầm.
Có một số người bạn thời tiểu học, trung học và đại học đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tôi, nhưng chỉ mấy năm sau tôi lại phát hiện rằng những người này đã không còn như trong ấn tượng thời xưa nữa.
Có người nguyên ban đầu rất nhu nhược, thiếu quyết đoán, nhưng hiện tại tư duy lại sắc bén, nhanh nhẹn; Có người vốn vô tư hào phóng thì nay lại trở nên hết sức nhỏ nhen; Có người lắm mồm lắm miệng nay lại trở nên trầm mặc ít nói; Lại có người vốn là lạnh lùng ít nói, giờ thành người nói chuyện sắc sảo.
Năm tháng qua đi, tư tưởng mỗi người đều thường xuyên phát sinh biến đổi, vì vậy để có thể phán đoán một cách chính xác thì không thể bị quan niệm cũ trói buộc.
Kẻ sĩ ba ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác
Điều này khiến tôi nghĩ đến một câu nói nổi tiếng trong Tam Quốc Chí: “Sỹ biệt tam nhật, quát mục tương đãi” , tạm dịch: kẻ sĩ ba ngày không gặp, khi gặp lại phải dùng con mắt khác mà đối đãi. Ý nói rằng, cần phải thường xuyên loại bỏ cách nhìn cũ, dùng ánh mắt mới để đối đãi với người hoặc sự vật. Đây vốn là câu nói của nhân vật được coi là “hữu dũng vô mưu” Lữ Mông, một vị tướng bên Đông Ngô.
Lữ Mông là võ tướng thời đại Tam Quốc, theo quân xuất chinh từ năm mười lăm mười sáu tuổi. Ông từng theo Tôn Quyền chinh chiến các nơi; cùng tướng quân Hoàng Tổ của Lưu Biểu tác chiến; Lữ Mông còn làm tiên phong trong trận trảm Trần Tựu, được nhậm chức trung lang tướng, tiền thưởng ngàn vạn. Trong trận chiến Xích Bích, Lữ Mông lại cùng với Chu Du, Trình Phổ đánh bại quân Tào Tháo.
Lữ Mông vốn dĩ không theo học văn chương, Tôn Quyền vì thế đã phải giảng giải đạo lý cho Lữ Mông và một dũng tướng khác là Tưởng Khâm rằng: “Nay các vị đều thân giữ trọng trách, nắm giữ việc quốc gia đại sự, cần phải đọc nhiều sách để khiến tự mình không ngừng tiến bộ.”
Lữ Mông thoái thác nói: “Trong quân doanh công việc bề bộn, chỉ e không có thời gian đọc sách.”
Tôn Quyền kiên nhẫn chỉ dạy: “Ta nào có bảo các ngươi phải dùi mài kinh sử để làm tiến sỹ đâu. Chỉ là nói các ngươi xem thêm một ít kinh thư, hiểu rõ lịch sử, tăng thêm kiến thức mà thôi. Các người nói xem có ai bận nhiều việc như ta không? Nhưng lúc còn trẻ ta đã đọc qua Kinh Thi, Thượng Thư, Lễ Ký, Tả truyện, Quốc ngữ, chỉ là chưa đọc Chu dịch.
Từ khi ta chấp chính đến nay lại cẩn thận nghiên cứu ‘tam sử’ lớn là Sử Ký, Hán Thư và Đông Quan Hán Ký, cho đến tất cả binh pháp gia, bản thân đã nhận được rất nhiều lợi ích. Hai vị đây đều có khí chất thông minh, học tập nhất định sẽ nhanh đạt kết quả, tại sao lại không thể đọc sách chứ?
Trước tiên nên đọc Tôn Tử, Lục Thao, Tả truyện, Quốc Ngữ cùng với ‘tam sử’. Quang Vũ Đế thời Đông Hán đảm nhiệm trọng trách lớn, nhưng tay vẫn không rời quyển sách. Tào Tháo cũng nói chính mình là lão già hiếu học. Các ngươi vì điều gì mà hết lần này đến lần khác không thể tự động viên mình cố gắng?”.
Lữ Mông từ đó về sau bắt đầu chuyên tâm học tập, cố gắng không ngừng, ông ta chỉ cần xem qua sách vở, là những nhà nho lâu năm cũng không theo kịp.
Lỗ Túc sau này gặp lại, phải nhìn Lữ Mông bằng con mắt khác. (Ảnh: Kknews)
Lỗ Túc gặp lại Lữ Mông phải nhìn lại bằng con mắt khác
Lỗ Túc sau khi thay Chu Du nắm giữ quân Ngô, trên đường đi ngang qua nơi đóng quân của Lữ Mông thì có ghé lại dừng chân. Lữ Mông bèn bày rượu khoản đãi. Lỗ Túc lúc ấy vẫn ấn tượng rằng Lữ Mông là kẻ hữu dũng vô mưu, nhưng trong tiệc rượu, hai người thoải mái luận bàn việc thiên hạ mới biết được kiến thức sâu rộng của Lữ Mông, khiến Lỗ Túc vô cùng kinh ngạc.
Sau bữa tiệc rượu, Lỗ Túc cảm thán nói: ”Ta luôn luôn cho rằng lão đệ chỉ có vũ lược, cho đến hôm nay mới thấy được học thức xuất chúng của lão đệ, xác thực không phải kẻ hiểu biết nông cạn rồi.”
Lữ Mông nói: “Kẻ sĩ ba ngày không gặp, khi gặp lại phải nhìn bằng cặp mắt khác xưa. Nay huynh kế nhiệm thống soái, sáng suốt không được như Chu Công Cẩn (Chu Du), lại là lân bang với Quan Vũ, quả thực rất khó khăn. Quan Vũ ấy tuy đã nhiều tuổi nhưng lại hiếu học không biết mệt mỏi, thuộc làu Tả Truyện, tính khí trung trực anh hùng, nhưng có chút tự phụ, huynh ở cạnh kề hắn, cần phải có kế sách tốt đối phó với hắn”. Lữ Mông vì Lỗ Túc mà vạch ra ba phương án, Lỗ Túc vô cùng cảm kích mà tiếp nhận.
Đọc sử khiến người minh trí. Đường Thái Tông từng nói: “Lấy đồng làm gương, có thể chỉnh sửa mũ áo; Lấy lịch sử làm gương, có thể biết được hưng thịnh và suy bại; Lấy người khác làm gương có thể rõ cái được mất.”
Học lịch sử trong danh ngôn người xưa, lại càng có thể mượn gương trí huệ người xưa, từ đó nhận thức bản thân và nắm chắc cuộc sống hiện tại và tương lai.
Tuệ Tâm
Từ Khóa :