Vì sao những người lương 30-40 triệu/tháng hiện nay vẫn săn đồ si và họ xem thường những ai đem tiền ra so sánh?
Nếu ngày xưa những người mua đồ si thường bị nhận định là vì 'không có tiền, nên nó mới phải dùng đồ cũ' thì nay, trong góc nhìn của những người có thu nhập khá đến cao nhìn nhận nó ở một khía cạnh khác.
VÌ SAO TÔI LƯƠNG 35 TRIỆU/THÁNG VẪN THÍCH DÙNG ĐỒ SI?
HENRY - tên viết tắt của cụm từ "High Earning, Not Rich Yet" đã xuất hiện từ rất lâu trên tạp chí Fortune (2003) nhưng mới bắt đầu phổ biến tại Việt Nam trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây.
Theo Fortune lý giải lúc đầu cho biết, HENRY là chỉ những nhóm người có thu nhập từ 250.000 - 500.000 USD/năm, được nhận định là đối tượng được các nhãn hàng xa xỉ trên thế giới như Dior, LV, Gucci,... hướng tới vì họ có nhu cầu chi tiêu các mặt hàng xa xỉ để khẳng định mức sống và khả năng tài chính của bản thân. Thế nhưng nếu đem "áp dụng" với mức lương trung bình tính bằng VNĐ, thì những người có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng vẫn có thể xem là một HENRY chính hiệu.
Hiện số người sở hữu mức lương này tại Việt Nam hoàn toàn không hề nhỏ nhưng để sở hữu một món đồ quá xa xỉ như các thương hiệu vừa được kể trên thật sự cũng không phải dễ, tất nhiên, họ vẫn có khả năng để mua (nếu thích), với điều kiện phải tích góp, thậm chí "đánh đổi" một số khoản chi tiêu khác.
"Do tiền đến từ việc đầu tư là không ổn định nên hầu hết tôi đều giữ nguyên để tái đầu tư. Phần lương còn lại sẽ phân nhỏ vào các khoản chi tiêu cá nhân và tiết kiệm. Nếu so với số đông thì cuộc sống của tôi cũng khá thoải mái, muốn sắm cái gì cũng được nhưng vẫn phải cân nhắc chứ chưa thể mua mà không cần nhìn giá như những người thu nhập tiền trăm triệu hay tiền tỷ.
Thế nên thay vì tự hào kiểu sĩ vì mua được món đồ hiệu vài chục triệu như hồi 19 - 20 tuổi, thì bây giờ tôi thích mua sắm dựa trên giá trị sử dụng và lợi ích của đồng tiền mình bỏ ra. Và mua đồ si cũng là một trong những sự lựa chọn của tôi, bất kể đó là quần áo, túi xách hay đồ gia dụng"
HÒA VÀO LỐI SỐNG SENCOND HAND CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ TIỀN
Vì chưa phải là thế hệ "dư tiền"
Rõ ràng với những người như chị An nếu nói "không có tiền để mua sắm" là điều hết sức vô lý. Chẳng qua, cách họ "định giá" một món đồ có phần khác biệt với số đông. Họ nhìn tổng quan từ giá tiền tới giá trị sử dụng một cách trung lập và thông minh hơn với tâm lý "tôi có tiền chứ không phải dư tiền..."
Hiện nay nhóm người trẻ trong độ tuổi từ 20 - 30 còn bị áp lực bởi nhiều thứ khác từ mua nhà, đầu tư để đạt được mục tiêu tự do tài chính. Tuy nhiên, vì tính chất công việc hoặc nhu cầu của cuộc sống của mỗi người khiến các món đồ thời trang đối với họ không thể quá xuề xòa.
Thay vì mua một bộ đồ giá chục triệu thì họ "đầu tư" vào các hãng local brand với chất lượng cao mà giá có khi chỉ bằng 1/10 so với đồ có thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chỉ những khi cần phải phô trương đồ hiệu, họ mới bắt đầu cân nhắc mua đồ đã qua sử dụng với độ mới từ 90 đến hơn 95% mà mức giá chỉ bằng 70 - 80% giá trị gốc.
Tỉnh táo trước đam mê được "thỏa cái đẹp"
"Không có gì để mặc" dù đang đứng trước tủ đồ 1001 bộ, là một trong những câu nói kinh điển của nhiều chị em phụ nữ. Bởi lẽ, đối với những ai yêu thích thời trang và đặc biệt chị em phụ nữ thì chỉ có 30% số quần áo sẽ mặc thường xuyên còn 70% chỉ mặc 1 đến 2 lần để chụp hình hay đi tiệc. Chính vì thế, việc kinh doanh những món đồ ít sử dụng đó là một cách giúp nhiều người có thể liên tục "thay máu" cho tủ đồ, thoả niềm đam mê "biến hoá đa dạng diện mạo".
"Tôi không có sở thích mua sắm như bao chị em khác, nhưng vì tính chất công việc thường xuyên phải đi dự các buổi event, gặp gỡ người có tiếng lẫn địa vị ở những địa điểm sang trọng nên trang phục đối với tôi phải phân loại rõ ràng giữa đồ mặc ở nhà, đồ đi làm thường ngày, đồ đi sự kiện và đồ gặp các nhân vật để thể hiện giá trị bản thân như cách tôn trọng cơ bản nhất mà tôi dành cho họ khi họ dành thời gian để gặp mình.
Thời gian đầu khi mới vào nghề, tôi mất gần 80% tiền lương cho nhu cầu mua sắm đó. Cho đến vài năm trở lại đây, hàng loạt các shop bán đồ si chất lượng bắt đầu phát triển mạnh thì nó đã giúp tôi tiết kiệm một khoản không hề nhỏ. Việc này giúp tôi có thể "đóng vai" người mua lẫn người bán khi các món đồ với tôi đã không còn nhu cầu sử dụng".
THỎA MÃN GIÁ TRỊ TINH THẦN "NÊN ĐỪNG MANG TIỀN RA ĐỂ SO SÁNH"
Trong thị trường sản xuất ồ ạt, chưa kể mẫu giả mẫu thật, phiên bản trước phiên bản sau... thật khó để sở hữu một món đồ chỉ riêng bản thân mình có mà không phải chi trả số tiền khổng lồ.
Đồng thời nhu cầu “chiếm hữu hàng hiếm” càng được "lên ngôi", nhiều người có tâm lý "độc quyền" muốn nhanh chân tham gia vào cuộc đua săn hàng độc lạ từ những nơi bán đồ cũ, đồ vintage.
Đặc biệt với phân khúc đồ vintage hay đồ có tính chất sưu tầm thì người mua còn quan tâm đến câu chuyện đằng sau các món đồ họ định mua, ví dụ năm sản xuất, số lượng còn tồn tại trên thị trường,... hoặc người chủ từng sở hữu của nó là ai? Đó là lý do vì sao mà người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Tăng Thanh Hà, Rich kid Ngọc Thanh Tâm,... cũng nhập cuộc thanh lý đồ và các buổi bày bán quần áo, phụ kiện của những người nổi tiếng này luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Đây đều là những món đồ có 1-0-2. Chỉ một mẫu, một size, một giá được ấn định. Người mua có thể mặc không vừa, nhưng giá trị tinh thần từ các món đồ này mới là thứ quyết định họ chi tiền để sở hữu.
Mong muốn chung tay "tái sinh" các món đồ cũ
Thế hệ trẻ bây giờ đều mong muốn "tái sinh" các món đồ cũ qua hai con đường: mua hoặc bán, tức là làm kinh doanh hoặc ủng hộ kinh doanh.
Nhiều start-up đã thành công với lĩnh vực kinh doanh thời trang second hand. Không ít người đã xây dựng được cơ đồ tiền tỷ bằng việc mua bán đồ cũ. Một số cửa hàng đồ cũ bạn có thể tin tưởng: Heri 2Hand, Sờn Boutique, Kho Nhà Mình... Ngày nay cũng xuất hiện nhiều ứng dụng, diễn đàn dành riêng cho mua bán đồ cũ như: Passii – Dịch vụ ký gửi và bán quần áo second hand được tín nhiệm bởi người nổi tiếng; SSSMarket – Chợ đồ cũ đa dạng; Piktina – Săn đồ chất, bán đồ nhanh…
Và bí quyết để các tên tuổi trên trở nên hút khách và khẳng định được vị trí trên lĩnh vực kinh doanh thời trang chính là nhờ vào sự đầu tư và nâng niu hàng hóa. Trước đây, đồ cũ thường xuất hiện ở các khu chợ, đổ thành đống, bụi bặm, nhăn nhúm. Hiện nay, các món đồ si đều được giặt sạch, xịt nước hoa thơm tho, ủi thẳng, treo gọn gàng trong một không gian sang trọng, được ưu ái không khác gì những món đồ mới đắt tiền để người yêu đồ si "mát lòng" ủng hộ.
ĐỪNG HAM RẺ MÀ MUA BỪA, CẦN PHẢI LỰA CHỌN THÔNG MINH
Đối với các mặt hàng như đồ cổ hay hàng hiệu, việc quyết định mua cũng khắt khe không kém gì mua đồ mới. Tuy nhiên, nhưng mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng thì thường xảy ra tình trạng “cứ rẻ là mua”, dù không biết có sử dụng tới hay không.
Một số lưu ý của các cô nàng dân chơi đồ si:
Thư Vũ - cách mua đồ cũ tránh bị “thôi miên” về giá:
- Đừng mua đồ si chỉ vì giá rẻ. Càng nhiều đồ thì mình càng khó khăn trong việc chọn đồ mặc mỗi ngày. Dù cho đồ si là giải pháp cho việc "bền vững" hơn trong thời trang nhưng nếu mua đồ si cũng vô độ như đồ mới thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.
- Dù là đồ cũ thì bạn cũng phải chú ý tới tình trạng, chất lượng của món đồ trước tiên. Đừng vì giá mà chép miệng thôi kệ, có bẩn tí, rách tí nhưng rẻ quá mà.
- Đối với những món có giá trị cao như các món đồ second-hand dòng luxury, đồ vintage (đúng nghĩa), đồ antique thì hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền mua. Tốt nhất là nên có một chuyên gia đi cùng bạn khi "săn" mặt hàng đặc biệt này để đỡ lầm.
Thục Nhi - "Hãy yêu đúng đắn"!
Niềm say mê từ nhỏ với những bộ phục trang Tây Âu thanh lịch và kiêu sa của minh tinh Hollywood xưa đã đưa Thục Nhi tới con đường sưu tầm thời trang xưa cũ.
“Hãy nhớ rằng mình chơi đồ chứ không phải đồ chơi mình. Đừng biến bản thân thành nô lệ của thời trang. Ngay cả khi mình bán quần áo, mình vẫn luôn nói với khách hàng của mình rằng chỉ nên mua những thứ thực sự phù hợp. Dẫu có đẹp có thích đến mấy, nhưng nếu không hợp mà vẫn cố mua về có khác nào đâm đầu yêu một người chẳng thuộc về mình”.