Vì sao nhiều nguyên lãnh đạo Phú Yên bị xem xét kỷ luật?
Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nhiều vi phạm, trong đó có trách nhiệm của nhiều lãnh đạo giai đoạn này.
Và những lãnh đạo liên quan vi phạm ra sao? Giữa tháng 6-2022, Viện KSND tỉnh Phú Yên ra cáo trạng truy tố 5 bị can về tội "vi phạm các quy định trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra trong quá trình bán đấu giá 262 lô đất khu đô thị Nam TP Tuy Hòa, trong đó có ông Nguyễn Chí Hiến (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 - 2021) cùng 4 cựu lãnh đạo cấp sở.
Cơ quan chức năng xác định việc UBND tỉnh Phú Yên ra chính sách giảm 5% trên tổng giá trị trúng đấu giá 262 lô đất cho nhà đầu tư là trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 8 tỉ đồng.
Trong vụ án này, ông Huỳnh Tấn Việt - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 - 2021 - là người có liên quan.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng có báo cáo (tháng 8-2017) kết quả kiểm tra một số dự án liên quan việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Phú Yên như dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City (TP Tuy Hòa), UBND tỉnh Phú Yên có vi phạm.
Cụ thể ngày 27-3-2015, ông Phạm Đình Cự - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - kết luận không đặt lại vấn đề trình Thủ tướng chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ đối với dự án này (122 hecta) mà thực hiện phân kỳ thu hồi rừng phòng hộ từng đợt nhỏ 20 ha (thực chất là chia nhỏ để không phải xin chấp thuận của Thủ tướng theo quy định).
Và dù chưa có quyết định cho thuê đất, giao đất nhưng UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép chủ đầu tư dự án trên san lấp mặt bằng 5ha rừng phòng hộ để động thổ dự án. Sau đó, tỉnh còn cho chủ đầu tư vừa triển khai xây dựng vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Cho đến thời điểm kiểm tra năm 2017, có 35 ha rừng phòng hộ và 5 ha rừng sản xuất trong phạm vi dự án này bị chặt phá, khai thác.
Vào tháng 12-2017, Thanh tra Chính phủ còn có báo cáo kết quả kiểm tra tại dự án khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả.
Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên có vi phạm khi phê duyệt bổ sung điểm quy hoạch, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích 16 ha quy hoạch rừng đặc dụng đèo Cả là chưa phù hợp với Luật khoáng sản.
UBND tỉnh Phú Yên cho phép Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác, vừa hoàn thành thủ tục 2 ha khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng là vi phạm quy định.
Ông Lê Văn Trúc - nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016 - là người có trách nhiệm vì đã ký một số văn bản quan trọng liên quan đến những vi phạm trong vụ việc này.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên và TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xử sơ thẩm, phúc thẩm, tuyên 18 bị cáo phạm tội trong vụ lộ đề thi tuyển công chức tỉnh Phú Yên năm 2017 - 2018.
Ông Trần Hữu Thế - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đương nhiệm - khi xảy ra vụ lộ đề thi thì ông là phó chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch hội đồng thi, nên bị xem xét trách nhiệm.
Từ ngày 20 đến 22-6, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 16. Ông Trần Cẩm Tú - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì kỳ họp.