Vì sao nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới quyết liệt nâng lãi suất trong tuần vừa rồi?
Đại diện các ngân hàng trung ương trên thế giới cho biết họ đã hứng chịu đủ những tác hại từ việc giá cả tăng nhanh, đồng thời khẳng định quan điểm rằng cần phải hành động để khôi phục ổn định giá cả.
Khi mà chi phí cuộc sống của người dân ngày một leo thang, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã thẳng thắn thể hiện quan điểm chính sách cứng rắn trong tuần vừa rồi. Khi mà lãi suất cơ bản tăng cao và hoạt động can thiệp tiền tệ diễn ra mạnh tay, họ sử dụng ngôn ngữ cứng rắn để nói đến mục tiêu đẩy lùi lạm phát.
Tuy nhiên sau một tuần hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới thông báo về nâng lãi suất, ít nhất một số chuyên gia kinh tế đang bắt đầu đặt câu hỏi, liệu có phải họ hành động quá nhanh, quá mạnh hay không?
Cho đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là tác nhân quan trọng nhất đằng sau xu thế. Ngày thứ Tư, Fed nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên ngưỡng từ 3 đến 3,25%. Ở thời điểm đầu năm nay, tỷ lệ lãi suất này mới chỉ ở sát mức 0%.
Fed đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng sẽ còn lâu Fed mới kết thúc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, các thành viên của ủy ban lãi suất dự báo lãi suất cơ bản đồng USD sẽ kết thúc năm 2022 ở mức từ 4,25 đến 4,5% - cao nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Mùa hè năm nay, chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói về việc sẽ vẫn nâng lãi suất cho vay lên mức cao, tạo ra sự “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, ngăn kinh tế không suy thoái và rồi sau đó sẽ hạ nhẹ lãi suất. Vào ngày thứ Tư vừa rồi, ông thừa nhận rằng khả năng đó không thể xảy ra: “Chúng ta phải làm cho lạm phát ở sau lưng chúng ta. Tôi ước rằng có rằng một cách nào đó không đau đớn để làm được điều này”.
Fed có kế hoạch hạn chế chi tiêu tiêu dùng và doanh nghiệp trong nỗ lực giảm lạm phát nội địa vốn đã tăng lên mức rất cao ở nhiều nơi. Tại châu Âu, giá khí đốt leo thang kỷ lục đã khiến cho lạm phát toàn phần lên mạnh, còn lạm phát lõi trên thực tế thấp hơn. Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, việc giá trị đồng nội tệ sụt giảm so với đồng USD đã khiến cho chi phí giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã khởi đầu chu trình siết chặt chính sách tiền tệ vào ngày thứ Ba với việc tăng 1 điểm phần trăm lãi suất lên 1,75%, đợt nâng lãi suất cao nhất trong 3 thập kỷ. Thụy Sỹ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đồng thời cũng thông báo nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, như vậy Thụy Sỹ cũng đã chính thức kết thúc quá trình lãi suất âm đã bắt đầu từ năm 2015.
Ngân hàng Trung ương Anh vào ngày thứ Năm đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,25% - cao nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời cam kết rằng sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất khác nữa.
Ngay cả tại Nhật, nước đã áp dụng lãi suất âm trong thời gian dài, giới chức Nhật cũng thực sự cảm thấy cần phải kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm vực dậy đồng yên, đồng thời hạn chế giá nhập khẩu tăng nóng. Đồng thời, Bộ Tài chính Nhật cũng can thiệp để ngăn đồng USD lên giá mạnh vốn đã đẩy lạm phát Nhật tăng cao lên mức 2,8% từ trước đó.
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Deustche Bank nhấn mạnh rằng với cứ mỗi một ngân hàng trung ương hạ lãi suất trên thế giới thì có đến 25 ngân hàng trung ương khác đang nâng lãi suất, tỷ lệ này cao hơn so với ngưỡng bình thường và cao chưa từng thấy tính từ cuối thập niên 1990 khi mà nhiều ngân hàng trung ương được có quyền tự chủ để quyết định chính sách tiền tệ.
Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tại Citigroup và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, ông Nathan Sheetts, nhận xét nhiều ngân hàng trung ương lớn của thế giới đang hành động nhanh đến nỗi mà khi họ nâng lãi suất, thậm chí họ còn không có đủ thời gian để đánh giá tác động từ các biện pháp của họ cuối cùng sẽ như thế nào.
Người đứng đầu nhiều ngân hàng trung ương lớn của thế giới đồng thời cũng ngần ngại thừa nhận rằng họ đã sai lầm khi duy trì lãi suất ở mức quá thấp trong thời gian quá dài, họ nhấn mạnh rằng những đánh giá này tốt hơn khi nhìn nhận qua thời gian. Thế nhưng giờ đây giờ đây họ hành động vô cùng nhanh nhạy để muốn thể hiện rằng họ quyết tâm kiềm chế lạm phát.