Vì sao nhiều máy bay quân sự của Nga bị rơi trong thời gian gần đây?

Chia sẻ Facebook
07/12/2022 13:53:03

Từ tháng 9/2022 tới nay có ít nhất 6 máy bay quân sự của Nga đã bị rơi, trong đó có chiếc được sử dụng trong cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine, nhưng có chiếc lại rơi ở xa nơi tiền tuyến, theo tờ Jerusalem Post.

Xem xét các vụ tai nạn nổi bật gần đây cũng như lịch sử các vụ tai nạn của quân đội Nga có thể giúp làm sáng tỏ một số vấn đề. Ngoài ra, việc các vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine có thể mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về hoạt động của lực lượng không quân Nga.


Được biết, có 4 trong số các máy bay Nga bị rơi gần đây là máy bay chiến đấu được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng bao gồm các máy bay MiG-31 và Su-25 cũ hơn, có thể gặp phải các vấn đề kỹ thuật do “lão hóa” .

Dẫu vậy, vụ tai nạn đáng chú ý gần đây là khi một máy bay ném bom chiến đấu Su-34 đâm vào một tòa nhà chung cư ở Yeysk của Nga, phát nổ và khiến 15 người thiệt mạng. Điều này rất đáng quan tâm bởi Su-34 không phải là máy bay chiến đấu cũ như Su-25. Thay vào đó, nó chỉ mới chính thức được đưa vào biên chế cho Không quân Nga vào năm 2014.

Các máy bay khác đã bị rơi không liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine mà một trong số đó là chiếc máy bay chiến đấu Su-30, đã đâm vào một ngôi nhà ở Irkutsk, vùng Siberia của Nga.

Vậy tại sao những sự cố này lại liên tục xảy ra?

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng do cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng điều đó không giải thích được việc máy bay rơi ở xa nơi tiền tuyến.

Liên quan đến vụ rơi máy bay Su-34 ở Yeysk, Nga cho biết nguyên nhân là do sự cố tràn nhiên liệu. Những người khác vào thời điểm đó cho rằng đạn dược trên chiếc máy bay này có thể đã phát nổ khi đang bay.

Các chuyên gia khác đã xem xét về sự cố cụ thể này, trong đó hầu hết cho rằng sự cố động cơ khiến nhiên liệu bốc cháy là nguyên nhân

Chuyên gia Andres Gannon tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho hay rằng trong số 2 tia sáng nhìn thấy trong các video về vụ tai nạn, tia sáng đầu tiên là do nhiên liệu bốc cháy và tia sáng thứ 2 là khi các phi công nhảy dù xuống.

Trong khi đó, kỹ sư Michael Bohnert của tập đoàn RAND đưa ra một lý do khác, nhận định rằng sự cố ở Nga không phải do thiếu nhân viên bảo trì lành nghề, mà nguyên nhân khả dĩ nhất là các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây đã khiến việc mua các công cụ và vật liệu cần thiết để bảo trì, bảo dưỡng gặp khó khăn.

Trước đó, nhiều báo cáo của cả phương Tây và tình báo Ukraine chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã hạn chế nghiêm trọng khả năng sản xuất của Nga, cắt giảm nguồn cung cấp xe tăng, tên lửa và các trang thiết bị khác của họ.

Chia sẻ Facebook