Vì sao người xưa giữ hiếu đạo 3 năm sau khi cha mẹ mất?
Cuốn Hiếu Kinh viết rằng: “Hiếu là chuyện thiên kinh địa nghĩa, là đức hạnh mà người ta cần thực hành.” Người ta giữ hiếu đạo là luân lý, là tương tự như lẽ thường của thiên đạo xoay chuyển vậy.
Một lần, Tể Dư, học trò của Khổng Tử hỏi về việc giữ hiếu đạo sau khi cha mẹ mất như sau: “Phục tang cha mẹ ba năm, thời gian là quá dài. Người quân tử ba năm không giảng giải, nghiên cứu lễ nghi thì lễ nghi tất sẽ hư hại. Ba năm không diễn tấu âm nhạc thì âm nhạc tất sẽ hoang phế. Phải chăng thời gian một năm cũng là khả dĩ?”
Khổng Tử hỏi lại: “Cha mẹ mất mới một năm, ngươi liền ăn cơm gạo, mặc quần áo gấm, tâm ngươi có thể an sao?”
Tể Dư trả lời: “Tâm an.”
Khổng Tử nói: “Nếu tâm ngươi đã an thì ngươi làm đi. Người quân tử thủ tang, ăn mỹ vị mà không thấy hương vị ngọt ngào, nghe nhạc mà không thấy vui, ở trong nhà nghỉ ngơi mà không thấy thoải mái. Cho nên họ không làm như thế. Hiện giờ ngươi đã cảm thấy tâm an, ngươi làm như vậy đi.”
Sau khi Tể Dư đi ra ngoài, Khổng Tử nói: “Tể Dư thực sự là người bất nhân. Khi con chào đời, phải đến ba tuổi mới rời khỏi vòng tay ôm ấp của cha mẹ. Phục tang ba năm là tang lễ mà người trong thiên hạ xưa nay vẫn thường làm. Lẽ nào tình yêu thương của Tể Dư đối với cha mẹ không được đến ba năm sao?”
Vì sao người xưa giữ hiếu đạo 3 năm sau khi cha mẹ mất? Trong Lễ Ký viết rằng: “Lễ pháp ấy là căn cứ nội tâm bi ai của người ta mà chế định ra”. Thời cổ đại, luật pháp không quá gò bó, người ta sống cũng không phải dựa theo quy định của pháp luật mà là thuận theo luân lý đạo đức mà làm. Không có quy định bắt buộc con cái phải giữ hiếu đạo cha mẹ ba năm, nhưng người xưa đại đa số đều làm như vậy. Trong ba năm để tang thì người xưa không đi chơi, không tham dự các buổi lễ tụ họp chúc mừng… Đây là thể hiện lòng tưởng nhớ, là ân nghĩa ba năm đầu đời con được cha mẹ ôm ấp, dưỡng dục.
Hiếu đạo trong mắt người xưa về cơ bản cũng khác với ngày nay. Người phương Đông hiện đại phần lớn đều cho rằng có hiếu chính là phụng dưỡng cha mẹ.
Học trò của Khổng Tử là Tử Du từng hỏi ông về hiếu đạo. Khổng Tử nói: “Nhiều người cho rằng nuôi được cha mẹ là có hiếu. Thế nhưng ngay cả chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng như thế. Nếu người ta không tỏ được lòng kính trọng với cha mẹ, thì việc nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì nhau?”
Học trò Tử Hạ cũng từng hỏi Khổng Tử về hiếu đạo. Ông nói: “Luôn giữ được vẻ mặt, thái độ vui vẻ với cha mẹ mới là khó. Nếu chỉ giúp cha mẹ công việc, chu cấp ăn mặc thì sao gọi là hiếu được?” Vẻ mặt của con cái đối với cha mẹ bao hàm hai ý nghĩa. Một là khi chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ thì con phải luôn luôn giữ được sắc mặt ôn hòa, vui vẻ. Hai là bất luận là cha mẹ có vui vẻ hay không thì con cái vẫn phải thủy chung cung kính.
Trong Đệ Tử Quy cũng dạy: “Thân ái ngã, hiếu hà nan; thân tăng ngã, hiếu phương hiền.” Ý nói rằng, nếu cha mẹ thương yêu chúng ta thì việc chúng ta hiếu thuận cha mẹ là điều không khó. Nhưng nếu cha mẹ chán ghét chúng ta mà chúng ta vẫn hiếu thuận với cha mẹ thì đó mới là phù hợp với tiêu chuẩn hiếu thuận của bậc thánh hiền.
Người xưa đề cao đạo hiếu, những người hiếu thảo với cha mẹ đều được mọi người tôn sùng, kính trọng. Lấy “Hiếu” để trị vì thiên hạ, lấy bản thân làm gương, là một trong những điều các bậc Thánh Vương thời cổ đại thực hành. Cho nên từ xưa đến nay khi giáo hóa dân chúng thì việc đầu tiên là “tu thân” rồi mới đến “tề gia”, “trị quốc” . Tu thân được cho là cái gốc, mà việc tu thân nhất định không thể thiếu “hiếu đạo”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm :
Khổng Tử nổi trôi giữa đời thực dụng
Mời xem video :