Vì sao người phẫn nộ rất khó kiểm soát bản thân?
Có câu rằng: “Nhất niệm sinh thiện ác”. Một người khi phẫn nộ thì thường không thể hoặc rất khó kiểm soát bản thân, hành động không giống bình thường, có thể nói là “ma xui quỷ khiến”. Trong khi đó, một người nếu có thể khoan thứ cho người khác trong mâu thuẫn, thì đã thể hiện ra sự thuần khiết, bao dung, chính là cái thiện trong con người.
Kỳ thực “Nộ” và “Thứ” đều là biểu hiện của ác niệm và thiện niệm. Khi trong tâm tràn đầy thiện niệm thì có thể sinh lòng khoan thứ, nhưng khi tâm tràn đầy ác niệm sẽ chỉ biết phẫn nộ mà thôi. Hơn nữa niệm thiện, niệm ác lại “tương phụ tương thành” với biểu hiện bên ngoài, thường khoan thứ thì tâm càng thiện, thường phẫn nộ thì người càng ác.
Trong tiếng Hán, chữ “Nộ” (怒 – Phẫn nộ) và chữ “Thứ” (恕 – khoan thứ) có hình dáng bên ngoài khá giống nhau, nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn trái ngược.
“Thuyết văn giải tự” giải thích rằng: “Nộ” , hay còn gọi là hận, xuất phát từ tâm. “Thứ” hay còn gọi là nhân (nhân ái), cũng xuất phát từ tâm. Cả hai chữ này đều liên quan đến trái tim, nhưng một bên là đại diện cho sự sân hận, một bên lại đại diện cho lòng bao dung, hoàn toàn trái ngược nhau.
Chữ “Nộ” phía trên là chữ “Nô” (奴 – Nô bộc, đầy tớ), phía dưới là chữ “Tâm” (心). Từ trên mặt chữ có thể thấy rằng khi con người phẫn nộ thì “tâm của người đó đã biến thành nô lệ”.
Chữ “Thứ” (khoan thứ) phía trên là chữ “Như” (如 – Giống như), phía dưới là chữ “Tâm” (心), mang hàm ý là khoan thứ như trái tim thuần thiện thuở đầu.
Trái tim tương thông với linh hồn. Trái tim thuở ban sơ đều thuần khiết, lương thiện. Nhưng sau khi sinh ra, tiếp xúc với xã hội, con người dần dần tích luỹ được một chút kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm có tốt có xấu này trải qua một khoảng thời gian nhất định sẽ hình thành nên những quan niệm. Quan niệm này đa phần được tạo ra để bảo vệ bản thân, vậy nên so với trái tim ban đầu, nó mang tính vị tư, vụ lợi, coi trọng bản thân.
Khi tự ngã của một người rất lớn, khi họ quá ích kỷ, quá chú trọng tới bản thân mình, thì quan niệm hình thành sau này sẽ giữ vai trò chủ đạo. Lúc đó tâm của người ta lại trở thành kẻ nô lệ cho quan niệm, vậy nên con người dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực.
Ngược lại, khi một người có tâm thái ôn hoà, không chút tạp niệm, thì cái tâm thuở ban sơ sẽ giữ vai trò chủ đạo. Từ đó con người sẽ có cái nhìn tích cực với sự vật, sự việc, có phong thái ung dung, tấm lòng khoáng đạt.
Ngày nay, phẫn nộ không chỉ là một cảm xúc tiêu cực, mà còn là biểu hiện của một người thiếu cảm giác an toàn, có nội tâm mềm yếu, dễ bị quan niệm tư lợi chiếm cứ, rất khó kiểm soát bản thân, rất khó tuân thủ chuẩn mực đạo đức. Con người phẫn nộ, thường là do sự việc gì đó trái với ý mình, mà sinh lòng sân hận người khác, đôi khi lại oán hận bản thân. Điều này đều bắt nguồn từ sự bất lực trước nhân tình thế thái. Sự phẫn nộ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới mối quan hệ xã hội của người đó, mà còn gây hại cho bản thân và những người xung quanh.
Khi con người có sự khoan thứ, chắc chắn trong tâm họ sẽ sinh lòng từ ái, có thể lấy đức báo oán, dùng nhân nghĩa đối đãi với bản thân và người khác. Họ cũng có đủ trí huệ để chung sống hoà bình với những điều chẳng thuận lòng, như ý. Do đó, khoan thứ là một nguồn sức mạnh từ bi, bình hoà, cao thượng.
Theo Aboluowang
Thiên Cầm biên dịch
Mời xem video :