Vì sao người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở các tỉnh, thành mới chỉ đạt hơn 2 triệu hồ sơ, chiếm 1/5 tổng số hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ...
Nguyên nhân phản ánh từ người dân là việc thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt như với một số dịch vụ thiết yếu, đăng ký khai sinh, đăng ký tạm trú, người dân thao tác còn khá là vất vả.
Chị Thủy ở Hà Nội trải nghiệm đăng ký dịch vụ khai sinh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Khi nộp hồ sơ, chị thấy có hai vấn đề đang vướng. Thứ nhất, thông tin phải nhập bị lặp đi lặp lại nhiều lần vì vậy quá trình nhập thông tin có thể bị sai lệch. Thứ hai, phần yêu cầu nộp giấy tờ nhưng câu từ khó hiểu, dài dòng khiến chị không biết phải nộp giấy tờ gì.
Còn với anh Bùi Quang Huy, khi trải nghiệm đăng ký tạm trú, trên giao diện này, phần khai chỗ ở hiện nay có hai ô để người dùng lựa chọn nhưng không thể nào tích được. Đến khi điền xong rất nhiều thông tin, tải file về, không hiểu vì sao file lại trống trơn, buộc anh phải khai thêm lần nữa.
"Tôi mong muốn sau khi điền hết tất cả các thông tin ở trên giao diện thì khi tải file về thì nó sẽ tự động nhập lại thông tin cho tôi'', anh Huy nói.
Tại hội nghị về cải cách hành chính tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đánh giá: Việc liên thông trong thanh toán dịch vụ về đất đai của thành phố lớn nhất cả nước còn quá chậm so với nhiều địa phương khác.
Để tăng tỷ lệ dùng dịch vụ công trực tuyến, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực" . Đặc biệt, để thu hút người dùng với các dịch vụ công trực tuyến, việc thực hiện thủ tục hành chính cần phải đơn giản, dễ hiểu và người dùng nhanh chóng nhận được kết quả.
Hiện một số thành phố lớn đã được chọn làm thí điểm thực hiện đề án 06 của Chính phủ, với trọng tâm từ nay đến cuối năm sẽ số hóa hoàn toàn 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Việc triển khai được Chính phủ yêu cầu phải triển khai đồng bộ, tránh mạnh địa phương nào địa phương đấy làm với mục đích cuối cùng đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dùng một cách hiệu quả và tốt nhất.