Vì sao nghe nhạc tâm trạng khi buồn lại khiến con người thấy khá hơn?

Chia sẻ Facebook
15/05/2022 15:40:10

Nghe thật phi lý nhưng trên thực tế, việc nghe những bản nhạc, giai điệu buồn khi tâm trạng tồi tệ lại khiến con người “lành” nhanh hơn.


Chắc hẳn bạn đã từng trải qua những thời khắc khủng hoảng trong cuộc sống, và thay vì tìm đến một người bạn để lắng nghe, chia sẻ nỗi buồn, bạn lại cố gắng kiếm tìm một bản nhạc giống với tâm trạng mình nhất rồi đắm chìm trong lời ca ấy. Ít người trẻ nào lại chưa một lần ngân nga giai điệu những bản tình ca buồn của Vũ như: Lạ lùng, Đông Kiếm Em hay Lê Hiếu với Ngày mai sẽ khác; Hôm nay tôi buồn - Phùng Khánh Linh…


Con người luôn có xu hướng giải tỏa và bày tỏ cảm xúc qua tiếng hát để đợi chờ một “Ánh trăng nói hộ lòng tôi”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nghe nhạc tâm trạng lúc buồn khiến bản thân cảm thấy khá hơn và giúp con người tìm lại được niềm hy vọng từ cuộc sống.


Cụ thể, một nghiên cứu mới nhất từ 3 giáo sư người Đức đã khẳng định các bản nhạc buồn gợi lên sự đồng cảm khiến con người khát khao kết nối với người khác và thế giới xung quanh - đây là một trong những biểu hiện của việc tự chữa lành nếu xét theo khía cạnh tâm lý, điều này giúp bạn thoát khỏi tình trạng quá bận tâm hay lo ngại tới bản thân mà thay vào đó là giúp đỡ người khác. Một nghiên cứu khác từ đại học Kent cho rằng con người khi trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống và nghe những bạn nhạc “đẹp nhưng buồn” (beautiful but sad) sẽ giúp họ chấp nhận thực tại, chữa lành và tiến xa hơn.


Các nghiên cứu khác từ đại học Cornell, đại học Boston cũng chỉ ra rằng tầm quan trọng của việc hiểu bản thân và việc xây dựng niềm hy vọng trong cuộc sống khi nghe những bản nhạc tâm trạng khi buồn.


Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cũng khẳng định việc nghe nhạc buồn khi con người trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp trí óc sinh ra một số yếu tố sau:


Sự hoài niệm


Có một sự thật rằng nhạc buồn là nguồn kích hoạt mạnh mẽ cho những ký ức hoài niệm về thời đã qua (đặc biệt là kỷ niệm liên quan đến những khoảnh khắc quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc sống). Điều này giúp con người tận hưởng sự ngọt ngào của những kỷ niệm đẹp thông qua tưởng tượng sống động nhờ giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của những bản nhạc tâm trạng.


Prolactin


Ở cấp độ sinh học, nhạc buồn có liên quan đến hormone prolactin - nhân tố ảnh hưởng đến việc khóc và giúp kiềm chế đau buồn (Theo nghiên cứu từ Đại học Huron, 2011). Nhạc buồn đánh lừa não bộ để tạo ra một phản ứng bù đắp bình thường bằng cách giải phóng prolactin và tạo ra cảm giác bình tĩnh để chống lại nỗi đau tinh thần.


Việc chữa lành vết thương lòng luôn là một điều khó khăn và mất nhiều thời gian, đôi khi thật khó để tìm một người có thể hiểu mình, giúp bản thân trút hết gánh nặng và nhận lấy sự cảm thông. Âm nhạc là một loại ma thuật mạnh mẽ nhất (Marilyn Manson) bởi nó có thể giúp bạn tận hưởng niềm vui trọn vẹn hơn, đồng thời giúp con người xoa dịu những đau buồn trong quá khứ. Hãy tạo cho mình một khoảng lặng riêng trong thế giới xô bồ, bật bài nhạc yêu thích để đắm chìm, kiếm tìm sự đồng cảm và tự chữa lành những vết thương…!


Chi Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook